Đấu thầu tại huyện mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre: Trả lời của bên mời thầu gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo Đấu thầu ra ngày 24/9/2020 có đăng bài “Bến Tre: Hồ sơ mời thầu làm khó nhà thầu?” phản ánh kiến nghị tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐX.01 (đoạn từ ranh giới xã Hương Mỹ đến đất ông Nguyễn Văn Ân (sông Hàm Luông) và 1 nhánh rẽ nối xã Phú Khánh, 1 nhánh rẽ nối chùa Tuyên Linh), xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre làm bên mời thầu (BMT).
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, BMT có văn bản gửi đến Báo, cho rằng: “Các tiêu chí mời thầu của gói thầu này là phù hợp và đúng theo quy định hiện hành, không làm hạn chế nhà thầu tham gia trong quá trình đấu thầu”. Tuy nhiên, Nhà thầu kiến nghị và chuyên gia đấu thầu cho biết, cách trả lời của BMT là không ổn.

Theo đó, HSMT quy định: “HSDT của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây: Có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng: Theo quy định tại bảng dữ liệu; Có chứng nhận ISO 9001:2015 về quản lý hoạt động thi công xây dựng công trình giao thông”. Nhà thầu kiến nghị cho rằng, tư cách hợp lệ của nhà thầu được quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật. Đối với HSMT xây lắp được thực hiện theo mẫu quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Việc quy định thêm các điều kiện nhằm hạn chế nhà thầu tham dự là vi phạm pháp luật về đấu thầu. Nghĩa là, nhà thầu chỉ cần cung cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trước khi được trao hợp đồng - tức giai đoạn sau khi được xếp hạng 1 và được thương thảo hợp đồng - chứ không phải là ở tiêu chí đánh giá tính hợp lệ (loại HSDT từ đầu) vì có thể xảy ra tình trạng nhà thầu đang xin cấp Chứng chỉ và được cấp sau khi đóng thầu thì không được tham gia Gói thầu.

Nhà thầu cho rằng, Điều 4, Điều 25 của Nghị định 46/2015/NĐ-CP chỉ yêu cầu nhà thầu khi thi công phải lập Hệ thống quản lý chất lượng công trình, cụ thể là các quy trình, form mẫu và các tài liệu liên quan và các bước cần thực hiện để kiểm soát, đảm bảo chất lượng công trình (nhà thầu tự lập kế hoạch này trình chủ đầu tư xem xét phê duyệt). Nghị định 46/2015/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng hiện hành không yêu cầu nhà thầu thi công phải có chứng nhận ISO 9001:2015 hoặc các lọai chứng chỉ tương tự về quản lý chất lượng mới đủ điều kiện để thi công công trình. Ở đây, HSMT yêu cầu phải có Chứng nhận ISO 9001:2015 về quản lý hoạt động thi công xây dựng công trình giao thông là một chuyên ngành rất hẹp, ít có nhà thầu đáp ứng. Thực tế thị trường xây dựng đã chứng minh qua thời gian dài, rất nhiều nhà thầu xây dựng có uy tín vẫn thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng mà không cần có chứng nhận ISO hay các loại chứng nhận tương tự, các công trình thi công được cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu cũng không yêu cầu nội dung này.

Hai là, HSMT yêu cầu về kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp: “(ii) số lượng hợp đồng là 2 hợp đồng thi công xây dựng công trình giao thông nông thôn cấp B trở lên”. Một chuyên gia đấu thầu cho biết, theo mẫu HSMT tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT thì trong trường hợp này chỉ nên quy định hợp đồng thi công xây dựng công trình giao thông cấp B trở lên, nhưng BMT lồng ghép phải là công trình giao thông nông thôn cấp B là hạn chế các nhà thầu đã có kinh nghiệm thi công.

Ba là, quy định về năng lực vị trí Chỉ huy trưởng công trình, HSMT yêu cầu nhân sự phải đáp ứng đồng thời: có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình giao thông hạng 3 trở lên hoặc chứng chỉ không ghi hạng và chứng chỉ phải còn hiệu lực; giấy chứng nhận về nghiệp vụ bồi dưỡng an toàn lao động (nhóm II, còn hiệu lực); đã làm chỉ huy trưởng ít nhất 1 công trình giao thông nông thôn cấp B trở lên…

Chuyên gia nói trên cho hay, Điểm d Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 có quy định: “Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động”. Như vậy, trong trường hợp này, HSMT nên yêu cầu nhà thầu bố trí bộ phận quản lý an toàn lao động chứ không phải là yêu cầu chỉ huy trưởng kiêm nghiệm chức vụ quản lý an toàn lao động, dễ xảy ra sai sót. Việc yêu cầu chỉ huy trưởng kiêm nhiệm dẫn đến quy định về năng lực chỉ huy trưởng vượt quá yêu cầu của pháp luật chuyên ngành là không chấp nhận được.

Tin cùng chuyên mục