Đồng bộ pháp lý mở lối thoát cho y tế công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành y tế như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế... cùng các văn bản hướng dẫn ra đời đã hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ hành lang pháp lý, thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh (KCB) kịp thời, hiệu quả, tạo động lực để ngành y tế phát triển, vươn tầm khu vực.
Các cơ sở y tế công lập ngày càng được tăng cường tính tự chủ. Ảnh: Lê Tiên
Các cơ sở y tế công lập ngày càng được tăng cường tính tự chủ. Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn trăm bề

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, những năm qua, Bệnh viện Bạch Mai gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Thời điểm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện rơi vào đúng 3 năm chống dịch Covid-19. Bước ra khỏi đại dịch, số người bệnh tăng lên chóng mặt, trong khi việc mua sắm thuốc men, vật tư gặp vướng mắc về pháp lý. Người bệnh phải tự đi mua thuốc vì Bệnh viện thiếu thuốc, đấu đi đấu lại vẫn không có nhà thầu tham dự hay thuốc dự thầu không đáp ứng yêu cầu. Nhiều máy móc vướng mắc về pháp lý hay hết hợp đồng liên doanh, liên kết nên không thể hoạt động, phải “đắp chiếu”. Bệnh viện đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp như tăng ca kíp để chụp chiếu kịp thời cho bệnh nhân…

Cùng với đó, giá dịch vụ KCB nhiều năm không thay đổi, chưa tính đúng, tính đủ (chưa đưa vào giá yếu tố chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản)… Danh mục kỹ thuật và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật trong KCB đã quá lạc hậu. Từ ngày 1/7/2024, theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, hệ số lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, Bệnh viện đã chi cho cán bộ công nhân viên, nhưng giá dịch vụ KCB chưa có sự thay đổi cùng lúc. Do đó, ông Vũ Văn Hồng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện bị âm hơn 1.200 tỷ đồng quỹ lương năm 2021, 2022…

Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, dữ liệu của Hệ thống giám định bảo hiểm y tế cho thấy cả nước có 20 bệnh viện có máy chụp cộng hưởng từ (MRI) 3.0 Tesla. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn phải thanh toán giá dịch vụ kỹ thuật máy MRI 3.0 Tesla theo máy 1.5 Tesla, vì hiện chỉ có 1 dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy này. Trong khi đó, máy MRI 3.0 Tesla là thiết bị thế hệ mới, hiện đại, mang đến những hình ảnh chi tiết và rõ nét hơn nhiều so với các máy MRI thế hệ trước…

Nếu kéo dài tình trạng thu không đủ chi, nhất là đối với những bệnh viện thí điểm tự chủ, theo ông Nguyễn Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hệ thống y tế có nguy cơ đứt gãy.

Trong hệ thống quân y, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, các bệnh viện quy mô nhỏ cũng hoạt động rất khó khăn.

Cơ chế đã mở, việc còn lại là thực thi

Luật Đấu thầu năm 2023 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, trong quá trình thực hiện nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới. Quốc hội đã cho phép áp dụng sửa đổi nhanh để tháo gỡ cho các chủ thể thực thi theo cơ chế một luật sửa nhiều luật.

Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung 4 Luật cho phép cơ sở y tế được tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên của cơ sở y tế công lập, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Hạn mức chỉ định thầu của gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án đã được tăng lên gấp 3 lần, từ không quá 100 triệu đồng lên không quá 300 triệu đồng. Cơ chế này giúp các cơ sở y tế có thể chủ động, linh hoạt mua sắm kịp thời trong những trường hợp cần thiết. Gần đây nhất, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã triển khai tính năng chào giá trực tuyến (thông thường, rút gọn), là bước tiến được các chủ thể mong đợi.

Một số cơ sở y tế đã bắt đầu nhập cuộc với hình thức lựa chọn nhà thầu mới này, có thể kể đến: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ…

Ông Lê Đình Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, việc triển khai lựa chọn nhà thầu trên môi trường mạng không còn quá áp lực với các cơ sở y tế, giúp giảm khối lượng công việc và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Sắp tới, Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ nghiên cứu triển khai hình thức chào giá trực tuyến trong trường hợp cần thiết.

Trong quá trình mua sắm, có thể phát sinh nhiều tình huống trong lựa chọn nhà thầu, do đó Bộ Y tế cần sớm ban hành cuốn sổ tay để “cầm tay chỉ việc” cho các chủ thể thực hiện dễ dàng hơn, không bị lúng túng. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, thời hạn ban hành cuốn sổ tay này là trong năm 2025.

Cùng với cơ chế mua sắm thông thoáng hơn, việc tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ KCB cũng giúp các bệnh viện kịp thời cân đối thu chi. Ngày 18/10/2024, Bộ Y tế ban hành Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư số 23/2024/TT-BYT. Đây là cơ sở để các bệnh viện xây dựng giá dịch vụ KCB.

Tính đến hết ngày 31/12/2024, hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đã được phê duyệt giá dịch vụ KCB để phù hợp với lương cơ sở mới. Mức giá dịch vụ KCB mới đã bao gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định, nhằm giải quyết một phần vấn đề giá KCB lạc hậu thời gian qua.

Sau điều chỉnh, giá khám bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Hữu nghị, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế... là 50.600 đồng, tăng 8.500 đồng; giá giường điều trị hồi sức tích cực (ICU), ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng đặc biệt là 1.017.300 đồng/ngày (trước đó là 867.500 đồng/ngày). Tương tự, giá giường điều trị nội khoa loại 1 tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng được điều chỉnh từ 273.100 đồng lên 327.100 đồng.

Để đảm bảo tính đúng, tính đủ, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần phải tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ KCB cho phù hợp hơn, bởi giá dịch vụ KCB vừa điều chỉnh chưa bao gồm quỹ tiền thưởng như quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP. Thực tế, một số bệnh viện đang thực chi hệ số lương cao hơn hệ số lương 2,34 như: Bệnh viện Việt Đức thực chi hệ số lương cho bác sĩ là 4,3, cao hơn so với hệ số lương kết cấu vào giá dịch vụ.

Mặt khác, để phù hợp với xu hướng tăng cường tính tự chủ của các cơ sở y tế, một số ý kiến khuyến nghị, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để vừa tiết giảm nguồn lực, tiết kiệm chi phí, vừa tăng hiệu quả công tác KCB.

Là bệnh viện hạng đặc biệt, nhưng theo ông Đào Xuân Cơ, Bệnh viện Bạch Mai đi chậm hơn trong chuyển đổi số. Vài năm trước, trong khi một số bệnh viện tuyến trung ương, thậm chí là tuyến tỉnh đã chuyển sang bệnh án điện tử, kết nối các khoa phòng nhanh chóng, thì Bạch Mai vẫn triển khai trên nền tảng sơ sài, hạ tầng công nghệ thông tin cũ kỹ, hỏng hóc… Với quyết tâm chuyển đổi số toàn diện, chỉ sau 2 tuần chính thức triển khai, đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn toàn không dùng bệnh án giấy, chuyển toàn bộ sang bệnh án điện tử. Đơn vị lựa chọn phần mềm mã nguồn mở, thực hiện miễn phí trong các cơ sở y tế, không phải đấu thầu mà chỉ mất chi phí cài đặt, hướng dẫn triển khai thực hiện giúp tiết kiệm rất nhiều.

Ông Lê Đình Cường cho biết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã quyết định chi hơn 150 tỷ đồng để thực hiện Đề án chuyển đổi số. Việc thực hiện chia thành nhiều giai đoạn. Trong đó, năm 2024 triển khai Dự toán Thuê phần mềm quản lý xét nghiệm, ứng dụng di động cho người bệnh, ứng dụng di động phục vụ nhân viên y tế với giá trị hơn 14,2 tỷ đồng, sử dụng nguồn viện phí của Bệnh viện. Năm 2025, Bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai thuê hạ tầng phần cứng…

Tin cùng chuyên mục