Trước đó vào năm 2007, Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam được tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy bột giấy có sản lượng 330.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 348 triệu USD, cùng với Dự án Nhà máy sản xuất giấy bao bì cao cấp có công suất 420.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 280 triệu USD.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, ngoài Nhà máy giấy 420.000 tấn/năm và Nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Lee & Man Việt Nam còn xây dựng nhà máy nhiệt điện, bến cảng quốc tế chuyên dụng, nhà máy xử lý nước cấp, nhà máy xử lý nước thải.
Bộ Công thương cho hay, Quy hoạch Điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt đã không phân bổ vùng trồng cây nguyên liệu giấy và xây dựng nhà máy sản xuất giấy và bột giấy tại khu vực Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, với thực tế tỉnh Hậu Giang sau khi tách ra khỏi tỉnh Cần Thơ, có nhu cầu đầu tư sản xuất công nghiệp lớn và cấp thiết để phát triển kinh tế, tăng ngân sách và giải quyết công ăn việc làm trên địa bàn, nên đã kêu gọi đầu tư và Tập đoàn Lee&Man Paper đã nộp hồ sơ đầu tư nhà máy giấy bao bì và nhà máy bột giấy.
Nguyên nhân khiến Bộ Công thương (lúc đó là Bộ Công nghiệp) đồng ý về chủ trương xây dựng Nhà máy giấy 420.000 tấn/năm khi được UBND tỉnh Hậu Giang hỏi ý kiến là bởi sản phẩm làm ra là giấy bao bì và bao bì cao cấp, mà trong nước tại thời điểm đó mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Ngoài ra, nguyên liệu cho sản xuất giấy bao bì của Dự án là giấy carton đã qua sử dụng, chứ không phải đi từ bột giấy được sản xuất từ gỗ rừng. Tuy nhiên khi đó, Bộ này cũng lưu ý chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về nhập khẩu giấy loại và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Còn với Dự án Nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Bộ Công thương đã không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang, nên không có ý kiến về dự án này trước khi địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền được phân cấp. Như vậy, Dự án Nhà máy bột giấy được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không có ý kiến của Bộ chuyên ngành là không đúng theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP.
Ở khía cạnh khác, theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP, việc thẩm định thiết kế cơ sở với Dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Bộ chuyên ngành (khi đó là Bộ Công nghiệp). Nhưng trên thực tế, Bộ Công nghiệp đã không nhận được hồ sơ của Lee & Man Việt Nam đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở của Dự án Nhà máy giấy và Dự án Nhà máy bột giấy. Như vậy, việc UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án này khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng quy định.
Cũng bởi có nhiều ý kiến phản đối, lo ngại về việc tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường trong vùng khi nhà máy đi vào hoạt động, ngay khi Dự án mới được cấp phép, Bộ Công nghiệp đã khuyến nghị UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu chủ đầu tư lập ĐTM cho dự án. Ngoài ĐTM của toàn bộ Dự án Nhà máy giấy và Nhà máy bột giấy, chủ đầu tư cũng đã lập ĐTM của nhà máy nước cấp, bến cảng chuyên dùng, nhà máy điện và đã được UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt.
Được biết, ĐTM của Dự án Nhà máy giấy Lee & Man đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008. Sau nhiều trì hoãn triển khai, tới tháng 12/2014, Dự án mới tái khởi động lại, nhưng chưa có ĐTM mới, trong khi theo quy định thì ĐTM sau 2 năm phải được đánh giá lại. Nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, với dự án này, sau khi có kết luận kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu Dự án đáp ứng được các quy định về môi trường thì có thể được xem xét cho tiếp tục triển khai để đưa vào hoạt động.