Đề xuất hàng loạt quy định mới để quản lý Uber, Grab

Để quản lý Uber, Grab với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép sử dụng hợp đồng điện tử và các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện quản lý điều hành xe taxi thông qua phần mềm kết nối giữa trung tâm điều hành với lái xe và hành khách đi xe thay thế thông qua bộ đàm và trung tâm liên lạc.
Dự thảo mới có nhiều quy định phù hợp hơn với thực tế để có thể quản lý được việc ứng dụng Uber, Grab trong kinh doanh vận tải hành khách
Dự thảo mới có nhiều quy định phù hợp hơn với thực tế để có thể quản lý được việc ứng dụng Uber, Grab trong kinh doanh vận tải hành khách

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được cơ quan soạn thảo là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến để hoàn thiện.

Theo đánh giá của ban soạn thảo, hiện nay số lượng taxi tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM với quy mô phát triển nhanh so với nhu cầu hiện tại của người dân: thành phố Hà Nội có 18.629 xe taxi với 88 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh và TPHCM có 10.850 xe với 23 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm).

Bên cạnh đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều phương thức trợ giúp người dùng đặt (gọi) taxi một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua các thiết bị thông minh (smartphone). Nổi bật là các ứng dụng Grab Taxi, Easy Taxi, Live Taxi, ứng dụng Uber…đã và đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh.

Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội và UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định chuyên ngành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại Nghị định 86 năm 2014 của Chính phủ và Thông tư số 63 năm 2014 của Bộ GTVT.

Qua công tác thanh, kiểm tra còn tồn tại một số nội dung như: Đơn vị không cung cấp được danh sách lái xe và số lượng phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị. Một số đơn vị có Giấy phép kinh doanh vận tải nhưng không xin cấp phù hiệu cho xe hoặc hợp đồng thêm phương tiện ngoài danh sách xe đã đăng ký, lái xe không có hợp đồng lao động ký với đơn vị kinh doanh vận tải.

Kiểm tra 87 phương tiện cho thấy 38 phương tiện không có phù hiệu, 40 phương tiện không có đăng ký kinh doanh và Giấy phép kinh doanh vận tải, 15 phương tiện không có hợp đồng vận chuyển; xử phạt các lỗi vi phạm với mức tiền là 436,9 triệu đồng.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, trong thời gian tới cần có quy định để quản lý các đối tượng này nhằm mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi xe nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại bản dự thảo này, cơ quan soạn thảo đã đề nghị bổ sung quy định cho phép đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện quản lý điều hành xe taxi thông qua phần mềm kết nối giữa trung tâm điều hành với lái xe và hành khách đi xe thay thế cho việc điều hành thông qua bộ đàm và trung tâm liên lạc. Đây là một trong những quy định sẽ rộng đường cho Uber và Grab khi kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng sẽ bỏ quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải đáp ứng quy mô (số lượng phương tiện tối thiểu) theo các loại hình kinh doanh. Bỏ các quy định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã như: phải ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do các nội dung này thuộc đối tượng điều chỉnh và đã có quy định rất rõ để các đơn vị phải thực hiện tại Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, vì vậy không cần thiết phải nêu lại tại Nghị định này

Dự thảo Nghị định cũng cho phép xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch như: cho phép sử dụng hợp đồng điện tử, song trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo còn đề xuất bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính; trụ sở chi nhánh; văn phòng đại diện hoặc hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh để chống xe dù, bến cóc. Bổ sung quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau, không được thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình. 

Tin cùng chuyên mục