Ảnh Internet |
Đây là đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) gửi lên Bộ GTVT về việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho phương tiện trạm thu giá T1 và T2 của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 sau khi đạt được thống nhất với nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang.
Theo đề xuất này, từ ngày 1/11 tới đây, tất cả phương tiện lưu thông qua trạm thu giá T1 và T2 trên Quốc lộ 91 sẽ được giảm giá vé với các mức phương tiện loại 1 giảm từ 35.000 đồng xuống còn 30.000 đồng. Phương tiện loại 2, giảm từ 50.000 đồng xuống còn 45.000 đồng. Phương tiện loại 3 giảm từ 75.000 đồng xuống còn 65.000 đồng. Phương tiện loại 4, giảm từ 140.000 đồng xuống còn 110.000 đồng. Phương tiện loại 5, giảm từ 200.000 đồng xuống còn 170.000 đồng.
Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị giảm 100% giá vé cho các phương tiện của các người dân có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu giá; phương tiện xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ tỉnh Kiên Giang (Quốc lộ 80) về tỉnh An Giang (Quốc lộ 91) và ngược lại; giảm 50% giá vé tương ứng từng loại phương tiện vận chuyển hành khách hợp đồng và phương tiện vận tải hàng hóa có hợp đồng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ tỉnh Kiên Giang (Quốc lộ 80) về tỉnh An Giang (Quốc lộ 91) và ngược lại.
Mức giá đề xuất cho các đối tượng giảm 50% giá vé đối với phương tiện loại 1 là 15.000 đồng; phương tiện loại 2 là 22.000 đồng; phương tiện loại 3 là 32.000 đồng; phương tiện loại 4 tương ứng với 55.000 đồng và phương tiện loại 5 là 85.000 đồng.
Riêng đối với thành phố Cần Thơ, đối tượng được giảm giá khu vực lân cận xác định là các phương tiện của các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú và trụ sở chính tại các phường có đặt trạm thu giá T1 và T2.
Trước đó, dự án BOT Quốc lộ 91 đã bị doanh nghiệp vận tải tại An Giang, Kiên Giang phản ứng, đó là trạm thu phí T2 đặt tại Km 50+050 quốc lộ 91, đoạn qua khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Trạm phí này được đặt ở cuối quốc lộ 91 ngay sát nút giao của Quốc lộ 80 từ Kiên Giang lên nên xe đi từ Quốc lộ 80 đi vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng chưa tới 500m trên tuyến nối BOT.
Đồng thời chiều ngược lại, xe từ TPHCM qua phà Vàm Cống (An Giang) hoặc xe ở An Giang muốn đi ra Quốc lộ 80 để về Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho suốt tuyến BOT.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đang rà soát với chủ đầu tư dự án để thống nhất điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí cũng như giảm chung cho các phương tiện. Việc rà soát, đàm phán dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10 để Tổng cục đề xuất Bộ GTVT xem xét, phê duyệt giảm phí. Nếu được thông qua, tháng 11 tới sẽ tiến hành giảm phí tại các trạm BOT.