Ảnh minh họa |
Bộ Tư pháp cho biết, đấu giá trực tuyến là hình thức cho phép người tham gia đấu giá thực hiện việc trả giá các tài sản thông qua internet (trang thông tin điện tử). Cách thức này được sử dụng phổ biến tại các nước trên thế giới trong thời đại ngày nay với nhiều ưu điểm, thuận lợi. Ví dụ như không bị ràng buộc thời gian (việc trả giá có thể thực hiện bất kì lúc nào; các tài sản được liệt kê trong một vài ngày để người mua có thời gian tìm kiếm, quyết định và đặt giá); không ràng buộc địa lý (những người bán hàng và những người đấu giá có thể tham gia đấu giá từ bất kì nơi nào có truy cập Internet; giảm được chi phí đi lại, tổ chức phiên đấu giá); số lượng người đấu giá lớn, đa dạng (dễ dàng tham gia đấu giá).
Tại Việt Nam, hình thức đấu giá này vẫn còn chưa phổ biến và chủ yếu được các doanh nghiệp thương mại sử dụng để mua bán các hàng hóa thông thường. Việc đấu giá trực tuyến do các doanh nghiệp thương mại thực hiện nêu trên dựa trên quy định của pháp luật về giao dịch thương mại điện tử, thủ tục đấu giá đơn giản, không do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu giá tài sản.
Để đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động hành nghề đấu giá trong tình hình mới, Luật đấu giá tài sản đã bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến bên cạnh hình thức đấu giá truyền thống là đấu giá bằng lời nói và đấu giá bỏ phiếu. Triển khai quy định của Luật đấu giá tài sản về hình thức đấu giá trực tuyến, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước có hoạt động đấu giá trực tuyến phát triển, quy định của Luật đấu giá tài sản và thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam, dự thảo Nghị định đề xuất quy định đấu giá trực tuyến tại Việt Nam theo hướng là một trong những hình thức đấu giá của Luật đấu giá tài sản.
Theo dự thảo Nghị định, tổ chức đấu giá tài sản thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thay cho hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu hoặc tổ chức đấu giá tài sản ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá. Đối với trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì Hội đồng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá. Tổ chức đấu giá tài sản phân công một đấu giá viên, Hội đồng đấu giá tài sản phân công một thành viên chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến.
Dự thảo Nghị định nêu rõ nguyên tắc đấu giá trực tuyến, trình tự thực hiện cuộc đấu giá tài sản bằng hình thức đấu giá trực tuyến như việc cấp tài khoản truy cập, việc xác định người trúng đấu giá, việc công bố người trúng đấu giá trên hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến.
Để việc tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, minh bạch, an toàn, dự thảo Nghị định nêu rõ các điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến gồm các vấn đề về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhân sự vận hành, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành việc đấu giá trực tuyến an toàn, bảo mật. Việc đánh giá, thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến do Hội đồng thẩm định thực hiện với thành phần là đại diện các Bộ, ngành có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập. Bộ Tư pháp phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định và công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin đấu giá trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định việc thông báo kết quả đấu giá trực tuyến, biên bản đấu giá trực tuyến, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong việc vận hành trang thông tin điện tử có chức năng đấu giá trực tuyến.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.