Đến hết tháng 9/2023, có 12/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%

(BĐT) - Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công của cả nước từ đầu năm đến ngày 31/8 là 300.342,6 tỷ đồng, đạt 39,47% kế hoạch (760.852,2 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao là 707.044,2 tỷ đồng và kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương triển khai tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 53.808,0 tỷ đồng).
Có 12/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%.. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Có 12/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%.. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ước thanh toán đến hết tháng 9/2023 là 363.310,6 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 đạt 42,16% kế hoạch và đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo đó, có 12/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (69,65%), Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,06%), Đồng Tháp (79,36%), Long An (74,98%), Tiền Giang (77,84%).

Tuy nhiên, vẫn còn 29 bộ và 3 địa phương giải ngân được dưới 30% kế hoạch vốn, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Bộ Tài chính cho biết, mặc dù tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng trên cơ sở cuộc họp Tổ công tác trong thời gian vừa qua và tổng hợp theo báo cáo 8 tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công còn tồn tại một số vướng mắc.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số nguyên nhân trong việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại một số dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Bộ Tài chính cho biết, theo tổng hợp, tuy chỉ có 3 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30%, song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Nguyên nhân chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là các khó khăn trong giải phóng mặt bằng do đặc thù của từng dự án.

Tin cùng chuyên mục