Dở khóc dở cười vì nhà thầu yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều gói thầu rơi vào tình trạng dở dang chưa biết khi nào hoàn thành do nhà thầu vi phạm tiến độ, bị chấm dứt hợp đồng, buộc chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu thực hiện khối lượng công việc còn lại. Hệ lụy là thời gian đầu tư dự án kéo dài, thậm chí đội vốn, mất khả năng thu hồi tạm ứng.
Trên công trường Dự án Xây dựng đường Hùng Vương kết nối hành lang kinh tế Đông Tây và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, vật tư tập kết bị hư hỏng gây lãng phí. Ảnh: Minh Hạnh
Trên công trường Dự án Xây dựng đường Hùng Vương kết nối hành lang kinh tế Đông Tây và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, vật tư tập kết bị hư hỏng gây lãng phí. Ảnh: Minh Hạnh

Mặt đường được thi công đến phần đắp đất thì ngưng trệ, bị xói lở, nứt nẻ tạo ra những rãnh sâu lầy lội tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, các cột thép chờ đổ trụ chĩa lên trời đã hoen gỉ... Đó là thực tế tại Dự án Xây dựng đường Hùng Vương kết nối hành lang kinh tế Đông Tây và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đã hơn một năm nay, công trường lèo tèo bóng dáng nhân lực, thiết bị thi công. Dự án dở dang, sinh hoạt, đi lại và sản xuất của người dân ven tuyến đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dự án trên có chiều dài gần 4,2 km, tổng mức đầu tư hơn 120,5 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, Gói thầu QT02 (xây dựng) có giá trị gần 56,453 tỷ đồng, chi phí dự phòng 8,476 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Á Đông HPP - Công ty CP Tập đoàn Đông Đô đảm nhiệm, thời gian thực hiện 24 tháng, dự kiến hoàn thành tháng 9/2023. “Từ cuối năm 2022, Nhà thầu dừng thi công, Gói thầu chậm tiến độ và được cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Trị cho phép ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian hoàn thành đến 30/9/2025. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chuyển biến nhiều, giá trị thực hiện mới đạt 5,7 tỷ đồng, tương đương 10,1%”, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị (chủ đầu tư) cho biết.

Chủ đầu tư đã nhiều lần đốc thúc, cảnh báo song tiến độ thi công không có tiến triển nên đang đề xuất cấp thẩm quyền tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng với Liên danh nhà thầu.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh, bên cạnh xác định khối lượng hiện trường để thanh toán dứt điểm khi chấm dứt hợp đồng, Ban đang chờ văn bản phản hồi từ phía nhà tài trợ để thực hiện các thủ tục tiếp theo với Liên danh nhà thầu. “Sau khi chấm dứt hợp đồng, Chủ đầu tư sẽ phối hợp với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát rà soát, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và cập nhật dự toán gói thầu làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận hình thành gói thầu mới để tổ chức lựa chọn nhà thầu tiếp tục thực hiện”, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho hay.

Cùng cảnh ngộ, Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Trần Cao Vân (đoạn từ Mẹ Thứ đến Cao Thắng) thuộc thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) do UBND phường Vĩnh Điện làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng “đứt gánh” giữa đường. Gói thầu có giá trị hợp đồng hơn 4,1 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng Sơn Tùng thực hiện, dự kiến hoàn thành ngày 8/12/2022 nhưng đã chậm tiến độ 2 năm. Được gia hạn đến ngày 30/4/2024 hoàn thành, nhưng khối lượng công việc đến nay mới đạt khoảng 38%. Theo Chủ đầu tư, tổng giá trị đã thanh toán cho Nhà thầu là hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó, tạm ứng 1 tỷ đồng, thanh toán khối lượng hơn 1,3 tỷ đồng. “Thời gian thực hiện hợp đồng đã hết, Nhà thầu không còn khả năng thi công tiếp nên đã thống nhất chấm dứt hợp đồng, còn tiền tạm ứng thì chưa thể thu hồi”, Chủ đầu tư thông tin.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) vừa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Bắc Thăng Long về việc thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình khu dân cư đô thị tổ Bản Lè, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Lý do là hết thời gian thực hiện hợp đồng (ngày 1/7/2024) nhưng Nhà thầu mới thực hiện được 14,9% giá trị hợp đồng, công trình bị bỏ dở…

Hàng loạt nhà thầu khác như Công ty CP Liên minh Môi trường và Xây dựng, Công ty CP Tư vấn kiểm định và Thương mại xây dựng Goldsun… mới đây cũng bị công bố chấm dứt hợp đồng do lỗi của nhà thầu, hệ lụy phía sau là những gói thầu dang dở.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định, tình trạng vi phạm hợp đồng thời gian qua xảy ra khá nhiều, 90% lý do là các nhà thầu không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm, năng lực tài chính. Việc chủ đầu tư buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, sau đó xin ý kiến của người có thẩm quyền chỉ định nhà thầu khác thực hiện khối lượng công việc dở dang khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài, nguồn vốn đầu tư chậm phát huy hiệu quả.

Theo TS Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia đấu thầu, đối với hành vi không thực hiện đúng cam kết hợp đồng, các chủ đầu tư thông thường áp dụng song song hai biện pháp xử lý gồm: phạt hợp đồng và chấm dứt hợp đồng với nhà thầu. Để giảm đi tình trạng các gói thầu bị dang dở trong quá trình triển khai, chủ đầu tư/bên mời thầu phải nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả ngay từ khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu để lựa chọn được đơn vị đủ năng lực, đồng thời quản lý chặt chẽ hợp đồng sau đấu thầu. Nếu chủ đầu tư/bên mời thầu thiếu chuyên nghiệp trong lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng lỏng lẻo thì hệ lụy gói thầu, dự án dang dở là khó tránh khỏi.

Tin cùng chuyên mục