Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất các doanh nghiệp |
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) vẫn dẫn đầu danh sách về lượng tồn kho với 142.025 tỷ đồng, tăng 3.427 tỷ đồng (2,47%) so với đầu năm 2024 và chiếm khoảng 59,1% tổng tài sản. Tồn kho của Novaland chủ yếu ở các đại dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và Aqua City.
Lượng hàng tồn kho cũng tăng cao tại một số chủ đầu tư phía Nam trong nửa đầu năm nay. Đơn cử Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, tồn kho tăng 14,22% (tương đương 2.671 tỷ đồng) lên 21.458 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đang xây dựng chiếm giá trị tồn kho lớn gồm: Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo (6.558 tỷ đồng), Bình Trưng - Bình Trưng Đông (4.171 tỷ đồng), Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông (3.474 tỷ đồng)… Giá trị tồn kho của doanh nghiệp này chiếm tới 75,5% tổng tài sản.
Tại Công ty CP Đầu tư Nam Long, lượng tồn kho cũng tăng 10,47% lên 19.164 tỷ đồng. Trong đó, Izumi là dự án ghi nhận giá trị tồn kho lớn nhất với khoảng 8.655 tỷ đồng, tiếp đến là Waterpoint giai đoạn 1 (3.837 tỷ đồng), Akari (2.425 tỷ đồng)…
Tồn kho của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng tăng từ mức 3.663 tỷ đồng lên 4.100 tỷ đồng (tương đương tăng 12%). Trước bối cảnh còn khó khăn, nhằm tối ưu việc vận hành, TTC Land đã tạm ngừng kinh doanh Công ty CP Đầu tư Bất động sản TTC Land Hưng Điền trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/8; đồng thời giải thể 2 công ty con (tỷ lệ sở hữu 100%) là Công ty TNHH MTV TTC Land Retail Management và Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản TTC Land Phú Quốc.
Đi cùng với tăng tồn kho, tổng nợ vay của 15 doanh nghiệp BĐS được khảo sát cũng tăng thêm 13,63%, lên mức 173.273 tỷ đồng.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, điểm đảo chiều của thị trường BĐS diễn ra trong thời gian từ quý II đến quý IV/2024, khi những dấu hiệu tiêu cực dần vơi bớt, mức độ quan tâm đến các loại hình nhà đất ngừng đà giảm sâu. Tuy nhiên, sự đảo chiều hiện mới diễn ra ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội khi giao dịch chung cư, đất đang rất tốt, trong khi lượng giao dịch ở khu vực miền Nam với đầu tàu là TP.HCM chưa thực sự ổn. Nguyên nhân do dòng tiền của nhà đầu tư phía Bắc rời thị trường TP.HCM từ giữa năm 2020. Bên cạnh đó, lượng lớn dòng tiền vẫn bị kẹt ở trái phiếu phát hành bởi các chủ đầu tư khu vực phía Nam. Ngoài ra, thị trường phía Nam bị tắc nghẽn pháp lý khiến nhiều dự án không ra được sổ đỏ.
Báo cáo tổng hợp của Công ty CP Chứng khoán Vietcap cho thấy, lượng giao dịch BĐS nửa đầu năm nay cũng tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Cụ thể, tổng lượng giao dịch căn hộ sơ cấp ở Hà Nội và TP.HCM đạt 13.900 căn, tăng 107% so với cùng kỳ 2023 và tăng 22% so với nửa cuối năm 2023, trong khi tổng số căn hộ mở bán mới là 12.500 (tăng 55% so với cùng kỳ 2023 và tăng 17% so với nửa cuối năm 2023). Hà Nội chiếm khoảng 87% tổng lượng giao dịch căn hộ sơ cấp và nguồn cung mới tại 2 thành phố trong nửa đầu năm 2024.
“Sau giai đoạn đảo chiều, từ quý cuối năm 2024, thanh khoản sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực. Giai đoạn củng cố dự kiến rơi vào quý I/2025 khi thị trường tiền tệ thuận lợi hơn, các loại hình chi phí cao như nhà riêng, nhà phố dần có lợi thế. Thị trường chỉ thực sự khởi sắc từ quý II/2025 với tâm lý của nhà đầu tư tự tin vào triển vọng kinh tế và mức lợi suất trước khi bước vào giai đoạn ổn định từ đầu năm 2026”, ông Quốc Anh dự báo.