Doanh nghiệp thép lạc quan đón cơ hội tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế năm 2021 được dự báo còn rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng những yếu tố bất định khác. Song với kết quả sản xuất kinh doanh tích cực năm 2020, các doanh nghiệp (DN) ngành thép vẫn lạc quan với cơ hội đang mở ra.
Doanh nghiệp thép cần chuẩn bị năng lực tốt hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh, vươn xa và khai thác hiệu quả các thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp thép cần chuẩn bị năng lực tốt hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh, vươn xa và khai thác hiệu quả các thị trường. Ảnh: Lê Tiên

“Ngược dòng” vượt khó

Bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, tuy nhiên, năm 2020, ngành thép vẫn đạt mức tăng trưởng 3%. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá: “Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng, vượt dự kiến”.

Báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh của các DN thép được VSA công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, sản xuất thép các loại của các DN thành viên chỉ đạt hơn 11,6 triệu tấn (giảm 8,1% so cùng kỳ năm 2019); tiêu thụ đạt hơn 10,4 triệu tấn (giảm 10,7% so cùng kỳ năm 2019). Ðặc biệt, xuất khẩu thép các loại chỉ đạt hơn 1,8 triệu tấn (giảm tới 24,6% so cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2020, các DN đã có sự phục hồi đáng kể.

Kết thúc năm 2020, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đạt doanh thu thuần 78.169 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ đạt 2.488 tỷ đồng (bằng 163,8% kế hoạch năm 2020); lợi nhuận trước thuế đạt 891 tỷ đồng. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 30 nghìn tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 260 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều vượt xa so với kế hoạch đề ra. Năm 2020, Công ty đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Riêng quý IV/2020, Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,42 lần cùng kỳ năm 2019. Cả năm 2020, Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo Báo cáo về triển vọng ngành thép năm 2021 vừa được Công ty CP Chứng khoán SSI công bố, lợi nhuận trước thuế của các công ty sản xuất thép hàng đầu đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng của các công ty tôn mạ như: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen và Công ty CP Thép Nam Kim phần lớn đến từ việc tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện, nhờ giá thép có xu hướng tăng và áp lực cạnh tranh ở thị trường trong nước giảm khi sản lượng không tăng do không có công suất mới.

Chủ động nắm cơ hội

Dự báo về triển vọng tăng trưởng của ngành thép năm 2021, ông Trịnh Khôi Nguyên cho rằng, với kết quả tích cực của sản xuất kinh doanh năm 2020, ngành thép đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2021 khoảng 5 - 6% nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế dự kiến 6% như mục tiêu đặt ra.

Tuy vậy, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2021, đại diện VSA cho rằng, mức tăng trưởng của ngành năm nay khó có thể đạt được con số như kỳ vọng, nhưng vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Một cán bộ của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, mặc dù Hải Dương - nơi DN đặt nhà máy sản xuất - chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng không đáng kể.

Theo VSA, các động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành thép trong năm 2021 là: đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh; nhu cầu của thế giới dự kiến tăng 4,1% trong năm 2021 bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển; không gian thị trường cho DN tiếp tục được mở rộng…

SSI cũng đưa ra những dự báo khá lạc quan cả trong ngắn và dài hạn khi nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới.

Theo SSI, trong ngắn hạn, giá thép có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các DN trong ngành. Tuy nhiên, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020).

Để nắm bắt được các cơ hội, ông Nguyên lưu ý các DN thép cần chuẩn bị tốt hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh, vươn xa và khai thác hiệu quả các thị trường.

Đối với các thị trường mới, tiêu chuẩn cao như: EU, Mỹ, Nhật…, VSA khuyến nghị, DN thép ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, cần phải chuẩn bị năng lực để ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, DN thép Việt cũng cần đẩy mạnh liên kết để bảo đảm xuất xứ hàng hóa, từ đó đưa sản phẩm tiến sâu hơn vào những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng.

Tin cùng chuyên mục