Doanh nghiệp trông chờ cơ chế mua bán điện trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thường trực Chính phủ đang đốc thúc Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) trình Chính phủ trước ngày 15/5/2024. Đây là cơ chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần hóa giải những thách thức cả về cung và cầu năng lượng sạch, hình thành thị trường điện cạnh tranh.
Cơ chế DPPA là khung pháp lý quan trọng để nhà đầu tư tham gia các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Lê Tiên
Cơ chế DPPA là khung pháp lý quan trọng để nhà đầu tư tham gia các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Lê Tiên

Cấp thiết ban hành cơ chế DPPA

Sốt ruột với tiến độ triển khai xây dựng, trình ban hành cơ chế DPPA, tại Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế DPPA, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, tiến độ xây dựng còn chậm. Trong khi đó, đây là cơ chế đặc biệt quan trọng, là giải pháp để Việt Nam thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững. Đồng thời, cơ chế giúp huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện đối với Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Điển hình, Samsung, Apple, Heineken, Google... đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương để thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế DPPA.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Thắng, một nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng nhấn mạnh, cơ chế giá phát điện ưu đãi (FIT) đã hết hiệu lực từ lâu nhưng chưa có cơ chế mới thay thế. Người bán duy nhất trên thị trường điện là EVN. Do đó, việc ban hành cơ chế DPPA là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo niềm tin, sự yên tâm cho nhà đầu tư. “Nhà đầu tư đang trông chờ cơ chế này để quyết định đầu tư các dự án điện tái tạo, hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII”, ông Thắng nhấn mạnh.

Bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 được tổ chức mới đây, ông Alexander Koch, Tổng giám đốc Heineken Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong việc ban hành cơ chế DPPA, bởi đây chính là khung pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tham gia các dự án. Sự cần thiết càng rõ hơn khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất có hiệu lực sẽ áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới. Theo đó, nếu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không đáp ứng yêu cầu phát thải carbon thì sẽ khó cạnh tranh.

Ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc điều hành Bosch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành cơ chế này. Theo ông Dominik Meichle, việc thiết lập cơ chế này có thể giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nước ngoài cũng như ảnh hưởng của những bất ổn liên quan đến nguồn cung và thay đổi về giá.

Đề xuất mọi khách hàng được mua điện không qua EVN

Liên quan đến quy định về cơ chế giá, phí truyền tải, tại Thông báo nêu trên, Thường trực Chính phủ đề nghị, trong quá trình xây dựng Nghị định cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN.

Để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trong góp ý vừa gửi Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo Nghị định cần có điều chỉnh phù hợp về quy định đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng.

“Tại Điều 7 Dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo đề xuất, hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng chỉ cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà phải đợi giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, do các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 5 và Điều 7 của Dự thảo theo hướng mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu”, VCCI đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thắng cho rằng, nếu bên phát và bên mua trực tiếp, không qua lưới của EVN thì không cần thiết phải có quy định này, bởi không ảnh hưởng tới độ an toàn của lưới điện quốc gia. “Quy định này chỉ có tác dụng khi chạy qua đường dây do Nhà nước đầu tư. Vì thế, Dự thảo Nghị định phải có sự tách bạch rõ ràng về đối tượng trong từng trường hợp để không dựng rào cản cho doanh nghiệp”, ông Thắng nói.

Đối với đơn vị phát điện khi mua bán qua đường dây riêng, Dự thảo Nghị định quy định “công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực”. Nguyên nhân là quy hoạch điện lực đang khống chế công suất tối đa phát triển năng lượng tái tạo để hạn chế tác động tiêu cực lên hệ thống điện quốc gia. Song VCCI nhìn nhận, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trường hợp vẫn lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện.

Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia về năng lượng cho rằng, nội dung Dự thảo Nghị định cơ bản đã được hoàn thiện. Để có thể phát triển dự án điện tái tạo như mục tiêu Quy hoạch điện VIII đặt ra, ngoài quy định rõ ràng về đối tượng khách hàng, những vấn đề về giá, phí truyền tải đối với đường dây Nhà nước đầu tư cũng phải rõ ràng, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục