Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Giai đoạn 2: Dấu ấn mô hình xã hội hóa đầu tư

(BĐT) - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (mới) là một trong những bệnh viện đầu tiên triển khai theo mô hình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. 
Nhờ xã hội hóa đầu tư, nhiều trang thiết bị hiện đại được đưa vào để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Nhờ xã hội hóa đầu tư, nhiều trang thiết bị hiện đại được đưa vào để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Sau khi đầu tư, Bệnh viện đã có một cơ ngơi khang trang, với trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ đạt trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận. Ông Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ về cách thức triển khai dự án này.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Giai đoạn 2: Dấu ấn mô hình xã hội hóa đầu tư ảnh 1
Ông Phan Huy Anh Vũ
Làm thế nào để huy động được vốn xây dựng bệnh viện quy mô hiện đại như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, thưa ông?

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai – Giai đoạn 2 được đầu tư bằng phương thức xã hội hóa các hoạt động y tế theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Theo đó, các cổ đông gồm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (40% - góp bằng lợi thế dự án, giá trị thương hiệu và chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu), CotecGroup và CotecLand (60% - góp bằng tiền mặt) thành lập Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với vốn điều lệ 270 tỷ đồng để đầu tư dự án này.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, thì việc thu hút các nguồn lực khác ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở y tế khám, chữa bệnh là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bệnh viện tư nhân ra đời gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận hành. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về y tế. Chính vì lẽ đó, khi đầu tư Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Giai đoạn 2, chúng tôi lựa chọn theo mô hình kết hợp giữa “năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp, quản lý dự án của nhà đầu tư” với “năng lực chuyên môn” của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Việc đầu tư theo mô hình này có nhiều điểm ưu việt. Thứ nhất là phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, nên dễ thu hút đầu tư. Thứ hai là tỷ lệ sở hữu vốn, kiểm soát, cũng như tỷ lệ phân chia lợi nhuận của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tương đối phù hợp so với giá trị góp vốn vào Công ty, nên dễ thuyết phục Nhà đầu tư tham gia (vốn nhà nước dưới 50%). Thứ ba là dễ tiếp cận nguồn vốn vay. Thứ tư là chủ động và linh hoạt trong điều hành. Thứ năm là có thể nâng cấp thành Bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ sáu là chủ động trong công tác nhân sự, đầu tư thiết bị để phục vụ nhu cầu bệnh viện. Chúng tôi có sẵn nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm và hơn hết là chúng tôi có sẵn nguồn bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú. Chính vì vậy, khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Giai đoạn 2 đi vào hoạt động, người dân tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận có thêm sự lựa chọn dịch vụ khám, chữa bệnh theo tiêu chuẩn cao cấp, mà vẫn được sử dụng bảo hiểm y tế để giảm một phần chi phí khám, chữa bệnh.

Trong quá trình triển khai đầu tư Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Giai đoạn 2 theo hình thức xã hội hóa, Bệnh viện có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Tại thời điểm bắt đầu đầu tư Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Giai đoạn 2 vào năm 2012, chúng tôi và nhà đầu tư đã gặp một số khó khăn nhất định, các văn bản pháp lý về xã hội hóa y tế, về hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) chưa nhiều. Mô hình đầu tư PPP gần đây mới được quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi vừa đầu tư, vừa vận dụng các quy định, cũng như mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhận được ủng hộ. Cụ thể, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế đã tạo ra hành lang pháp lý rất quan trọng để chúng tôi đưa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai – Giai đoạn 2 đi vào vận hành. Chính vì vậy, Dự án được đầu tư nhanh, đưa vào sử dụng cùng lúc với Bệnh viện công (Giai đoạn 1).

Cũng xin nói thêm rằng, tại thời điểm đưa Bệnh viện mới vào vận hành, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thường xuyên quá tải, tiếp nhận tới khoảng 1.300 bệnh nhân nội trú, trong khi theo công suất thiết kế là chỉ bằng gần một nửa số đó (hơn 700 bệnh nhân). Việc đầu tư kịp thời Bệnh viện Giai đoạn 2 đã giúp cho Bệnh viện chúng tôi khắc phục được tình trạng quá tải. 

Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai – Giai đoạn 2 sau khi đầu tư xây mới và đưa vào vận hành?

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là một trong hai bệnh viện tuyến tỉnh của Đồng Nai có uy tín và được sự tín nhiệm của đông đảo người dân địa phương cũng như khu vực lân cận. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ngày càng nổi bật hơn trong vai trò là bệnh viện đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công mô hình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Bệnh viện mới có khuôn viên rộng gần 10ha, bao gồm 2 khối nhà: khối A và khối B. Trong đó, khối A được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với quy mô 700 giường bệnh. Khối B - do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai triển khai đầu tư xây dựng và vận hành theo mô hình xã hội hóa (trong đó, vốn góp của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là 40%, vốn góp còn lại là của CotecGroup và các công ty thành viên với tỷ lệ 60%) với quy mô 18 tầng. Tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng.

Đối với khối A, toàn bộ trang thiết bị y tế được đầu tư mới, đồng bộ, hiện đại hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như: máy MRI 3.0T, CT 256 lát cắt, XQ kỹ thuật số, siêu âm 5D, máy gia tốc trong điều trị ung bướu… Khối A có 9 khoa - phòng chức năng, 23 khoa lâm sàng, 10 khoa cận lâm sàng với khoảng hơn 860 nhân sự, 288 bác sĩ (trong đó có 2 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 8 bác sĩ chuyên khoa II, 54 bác sĩ chuyên khoa I và 204 bác sĩ).

Cùng với cơ sở vật chất mới, khang trang, sạch đẹp và trang thiết bị hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiện đại, Bệnh viện còn có đội ngũ bác sỹ, y sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, nữ hộ sinh giỏi tay nghề, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, tận tâm với người bệnh. Tất cả những yếu tố này đang ngày càng tạo thêm nhiều dấu ấn tốt trong lòng người dân tỉnh Đồng Nai khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Sau gần 1 năm hoạt động tại cơ sở mới, mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - khối A tiếp nhận khoảng 2.500 - 3.000 bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú và hơn 1.100 bệnh nhân điều trị nội trú.

Còn đối với khối B, được khởi công từ tháng 12/2012, sau 29 tháng đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, khối nhà chính đã được khánh thành và đón bệnh nhân đầu tiên vào ngày 19/5/2015. Khối B bao gồm 1 tầng hầm và 18 tầng cao, cùng với các hạng mục công trình kỹ thuật phụ trợ như: nhà dinh dưỡng, nhà sinh hoạt bệnh nhân, trạm điện, nhà khí y tế, cây xanh cảnh quan…

Đến nay, sau gần 1 năm hoạt động, bình quân mỗi ngày, khối B tiếp đón 750 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú và hơn 400 bệnh nhân điều trị nội trú.

Tin cùng chuyên mục