Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

(BĐT) - Từ năm 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) liên tiếp được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn. 
Quá trình cổ phần hóa mất nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động, đặc biệt là vấn đề đất đai. Ảnh: Nhã Chi
Quá trình cổ phần hóa mất nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động, đặc biệt là vấn đề đất đai. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, hoạt động này, theo nhiều chuyên gia, không chỉ chậm về tiến độ mà còn thiếu hiệu quả, chưa đạt mục tiêu về tăng cường huy động vốn xã hội hóa và bổ sung các nguồn lực mới khác cho phát triển.

Khả năng không đạt được kế hoạch

Theo thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, năm 2016, có 66 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Trong số 66 DN này, có 50 DN báo cáo tình hình thực hiện bán CP lần đầu (35 DN độc lập và 15 DN CPH cùng công ty mẹ). Tuy nhiên, có 18/35 DN độc lập không hoàn thành kế hoạch bán CP đề ra, một số DN bán được rất ít như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (0,1%); Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood1 (4%)…

Năm 2017, CPH 69 DN, tổng giá trị DN là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Có 48/69 DN báo cáo tình hình thực hiện bán CP lần đầu. Có 7/48 DN không hoàn thành kế hoạch bán CP đề ra, trong đó có những DN bán được rất ít so với số CP bán đấu giá công khai như: Tổng công ty Phát điện 3 (3%); Tổng công ty Sông Đà (0,8%).

9 tháng đầu năm 2018, có 10 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tổng giá trị của 10 DN này là 29.524 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.271 tỷ đồng. Có 2/10 DN báo cáo tình hình thực hiện bán CP lần đầu, trong đó VTVcab bán đấu giá không thành công.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ quyết định, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại DN. Kết quả thực hiện cho thấy, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2018, cả nước đã thoái được 16.463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính, tiến độ triển khai CPH, thoái vốn còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Xác định giá đất trước khi CPH

Theo kế hoạch thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ quyết định, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại DN. Kết quả thực hiện cho thấy, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2018, cả nước đã thoái được 16.463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng.
Về nguyên nhân chậm trễ CPH, theo đại diện của Bộ Tài chính, là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, DN vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.

Bản thân DN chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặt khác, quá trình CPH mất nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động; đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH…

Theo ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, nhiều DN CPH, thoái vốn trong giai đoạn vừa qua là những DN có quy mô lớn, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xác định giá trị DN, kiểm toán kết quả xác định giá trị DN, bán CP lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Một số DN sau khi chuyển sang công ty cổ phần, do tỷ lệ nhà nước nắm giữ vốn còn cao nên việc thay đổi quản trị DN gặp khó khăn, chưa thay đổi thực chất trong quản trị DN, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để thúc đẩy tiến trình CPH, thoái vốn tại các DNNN, chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, cần phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vì tính ưu việt nổi trội của tổ chức này là tập trung thống nhất đầu mối quản lý, loại bỏ tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi do tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản trị DN; do đó cũng tạo điều kiện để loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, “sân sau sân trước”.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, cần tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp (nhận thức, thể chế, tổ chức thực hiện, quản trị DN và giám sát, kiểm tra, công khai, minh bạch) để thúc đẩy tiến trình này. Đáng chú ý, ông Tiến đặc biệt nhấn mạnh việc các DNNN thuộc diện CPH phải khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH. Ông Tiến cho rằng, việc đẩy mạnh khâu này sẽ giúp tiến trình thực hiện CPH nhanh hơn rất nhiều.

Cũng quan tâm đến giá trị đất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để tránh thất thoát tài sản nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị DN khi CPH. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Nhà nước không cho DN trả tiền thuê đất 1 lần cho toàn bộ thời hạn giao đất mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá theo nguyên tắc bám sát giá thị trường.

Hơn nữa, quá trình đấu giá cổ phần cần được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất; không để “quân xanh, quân đỏ”, gạt nhà đầu tư khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi CPH DNNN.

Tin cùng chuyên mục