Dồi dào đơn hàng cho DN nhiều ngành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự phục hồi của thị trường thế giới, đơn hàng xuất khẩu gia tăng kéo hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 khởi sắc với những kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đủ đơn hàng tới hết năm, thậm chí một số DN đã có đơn hàng năm 2025, phải tăng tốc sản xuất để đáp ứng. Trong quá trình này đã phát sinh một số khó khăn đòi hỏi DN phải nỗ lực hơn nữa và linh hoạt thích ứng.
Thách thức lớn với ngành dệt may hiện nay là thiếu hụt lao động. Ảnh: Lê Tiên
Thách thức lớn với ngành dệt may hiện nay là thiếu hụt lao động. Ảnh: Lê Tiên

Đơn hàng dồi dào, dự báo tăng trưởng khả quan

Dệt may là một trong những ngành kinh tế có nhiều điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt trên 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến hết năm 2024, thậm chí có đơn hàng cho năm 2025 do hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều phục hồi tích cực và có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, hiện May 10 đã có đơn hàng đến hết năm 2024, tạo thuận lợi cho việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Tổng công ty đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. May 10 dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu xuất khẩu 2024 với mức tăng trưởng dự kiến từ 7 - 10% so với năm 2023, thậm chí cao hơn.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm của Vinatex đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023, hoạt động kinh doanh có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm trước. “Với đà này, nhiều khả năng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2024 sẽ chạm mục tiêu 44 tỷ USD”, đại diện Vinatex nhận định.

Với ngành thép, đến thời điểm này, cầu thị trường đã có dấu hiệu phục hồi khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN khả quan hơn. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 vừa được Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát công bố cho biết, Hòa Phát ghi nhận 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng tăng, biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện, trong đó có sản phẩm chủ lực của Tập đoàn (lợi nhuận nhóm thép tăng 42%).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu chiều 16/10, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho hay, sự phục hồi nhẹ của thị trường bất động sản giúp đơn hàng của Thiên Nam được cải thiện. Công ty đang tập trung cao độ nhân lực phục vụ sản xuất, khuyến khích người lao động làm thêm giờ… để đáp ứng nhu cầu đơn hàng. “Tính đến thời điểm này, Thiên Nam đã kín đơn hàng cho năm 2024. Dự kiến doanh thu cả năm sẽ tăng trưởng ở mức hai con số”, ông Vũ cho biết.

Chủ động vượt qua thách thức

Vào dịp tăng tốc sản xuất cuối năm, nhiều DN phản ánh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt cho hay, May 10 đang tìm cách vượt qua một thách thức chung của ngành, đó là không đủ lao động để bảo đảm hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Tại Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ lo lắng về việc thiếu hụt lao động, phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động. Đây cũng là vấn đề mà đa số DN đang phải đối mặt.

Bộ Công Thương cho biết, số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1/9/2024 mặc dù chỉ tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng tăng tới 5,2% so với cùng thời điểm năm 2023. Điều này cho thấy sự gia tăng đơn hàng xuất khẩu khiến các DN tăng nhu cầu sử dụng lao động phục vụ sản xuất.

Không chỉ thiếu hụt lao động, DN hiện cũng phải đối mặt với chi phí logistics cao, giá xăng, điện tăng, nhiều thị trường đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn mới…

Để vượt qua thách thức, lãnh đạo Vinatex cũng như May 10 chia sẻ, người làm công tác quản trị hoạt động sản xuất phải chủ động những giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực nhằm tận dụng cơ hội cũng như lường trước các rủi ro để phòng tránh. Theo hướng này, DN cần tiếp tục đầu tư máy móc, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm thay vì tăng quy mô sản xuất…

Nhiều DN mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tiếp sức cho DN, cải thiện thủ tục đầu tư kinh doanh, giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu…

Gợi ý thêm về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế lưu ý, trong bối cảnh sản xuất xanh, sạch đang bao trùm toàn cầu, các DN phải tích cực thay đổi để thích ứng, tăng năng lực cạnh tranh để có thêm các đơn hàng mới, giá trị cao.

Tin cùng chuyên mục