Dồn lực cho các dự án tạo động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội vừa có buổi làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Một trong những nội dung quan trọng của buổi làm việc là đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chiếm 27% chi ngân sách, tương ứng khoảng 2.200 - 2.700 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chiếm 27% chi ngân sách, tương ứng khoảng 2.200 - 2.700 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, giai đoạn tới, sẽ ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư công được quản lý chặt chẽ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công lần đầu tiên được làm theo giai đoạn 5 năm và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Việc đầu tư có tầm nhìn dài hạn, đầu tư tập trung, trọng điểm, chống dàn trải. Các tồn tại, hạn chế của đầu tư công trước đây đã cơ bản được khắc phục nhờ khung khổ pháp luật tương đối đồng bộ để quản lý đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện chuyển từ lập kế hoạch ngắn hạn sang trung và dài hạn. Phân bổ vốn đầu tư công cơ bản bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức, làm tốt việc ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ nhà ở cho người có công… Một điểm nổi trội của đầu tư công thời gian vừa qua là bên cạnh nguồn vốn nhà nước, các nguồn vốn từ bên ngoài (vốn xã hội hóa, vốn tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…) đã được huy động tốt vào nền kinh tế, làm thay đổi tư duy về nguồn vốn trong đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, đầu tư công trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc lập danh mục dự án theo thứ tự đôi lúc chưa được tuân thủ triệt để; đầu tư thiếu đồng bộ, còn tình trạng có cầu mà thiếu đường, có đường thiếu đường điện cao thế; có tình trạng có vốn nhưng không giải ngân được do triển khai chậm… “Các vấn đề trên cần phải được khắc phục triệt để, nếu không thì sẽ không bố trí được vốn cho những dự án trọng tâm, trọng điểm”, ông Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, những đột phá về hạ tầng chưa đạt yêu cầu đặt ra, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, những công trình then chốt. Theo ông Hiển, những đột phá về hạ tầng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của giai đoạn sau, nếu đầu tư công của giai đoạn trước làm chậm, hoặc chưa làm được thì sẽ trì hoãn đà phát triển của đất nước.

Làm tốt cái cũ trước khi làm cái mới

Theo Bộ KH&ĐT, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước 2.750 nghìn tỷ đồng. Số vốn này đến năm 2025 được định hướng tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính (toàn bộ đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành...); đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng số; hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất; xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long...

Dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu của đầu tư công trong những năm tiếp theo, ông Nguyễn Đức Hải phân tích, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành kế hoạch không chỉ của năm 2020 mà còn cả năm 2021. Nếu tiến độ đầu tư công của năm 2021 (năm đầu giai đoạn mới) bị chậm lại, sẽ gây áp lực cho các năm tiếp theo phải tăng tốc thì mới đạt được mục tiêu chung của cả giai đoạn.

Về định hướng đầu tư công, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ cần chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Trong đó, phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phải chiếm 27% chi ngân sách, tương ứng khoảng 2.200 - 2.700 nghìn tỷ đồng.

Số vốn này phải bố trí đủ cho các dự án trọng điểm quốc gia, ưu tiên hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc Nam; bố trí đủ vốn cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành; đảm bảo 3 chương trình mục tiêu quốc gia (vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo). Ngoài ra, nguồn vốn cần ưu tiên cho vấn đề an ninh nguồn nước, chống xâm nhập mặn, an toàn bờ biển. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hãy tập trung làm thật tốt cái cũ trước khi làm cái mới, sau khi giải quyết hết các ưu tiên đầu tư thì mới bố trí vốn cho dự án mới.

Tin cùng chuyên mục