Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những quyết sách cụ thể để hiện thực hóa thông điệp rất mới mẻ trong Nghị quyết 01 của Chính phủ
Có thể nói, những từ khóa này đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận với một tâm trạng đầy hứng khởi.
Thực vậy, trong năm 2015, tình hình kinh tế Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu tích cực của một đà tăng trưởng mới. Bên cạnh con số tăng trưởng GDP gần 6,7%, cả nước có tới 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Một kết quả khả quan khi năm 2014, số doanh nghiệp giảm 2,7% và số vốn chỉ tăng 8,4% so với năm 2013.
Bên cạnh đó, có 851 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn trong năm 2015. Như vậy, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2015 là 1.452,5 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước.
Đây là những con số ấn tượng. Thế nhưng đằng sau các con số này có 2 hiện tượng phải quan tâm. Một là, tính đến 31/12/2015 tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập theo luật doanh nghiệp là 941.000 đơn vị, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp hoạt động ước là 513.000 đơn vị, chiếm 54,5%.
Hai là, dường như số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập càng đông thì quy mô doanh nghiệp càng nhỏ. Số lao động trung bình trong doanh nghiệp đã giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống còn 29 lao động năm 2015. Tất nhiên, số lượng lao động chỉ là một thông số thể hiện quy mô doanh nghiệp, ngoài ra còn có các chỉ tiêu khác như số vốn hay doanh thu, lợi nhuận. Trong thời đại bùng nổ khoa học công nghệ, một doanh nghiệp có số lao động không nhiều không nhất thiết là doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh kém.
Một xu hướng đáng quan ngại khác là mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2015 ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao ở mức 70,9%. Con số này cho thấy khả năng hội nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước đang là một vấn đề lớn. Với việc Chính phủ đã đàm phám và ký nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP, EVFTA và việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thì rõ ràng quy mô nhỏ và năng suất lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang là thách thức lớn.
Do vậy, nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” như trong Nghị quyết 01/NQ-CP đã nêu không chỉ đơn thuần là việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước phát triển mà còn tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, áp dụng kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh về quy mô.
Mặt khác, nhiệm vụ tái cơ cấu với trọng tâm là nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, song như vậy chưa đủ. Một cơ cấu ngành nghề hợp lý sẽ góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.
Một lần nữa, nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phải được thực hiện bằng những giải pháp mạnh, theo đó đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ được đặt lên hàng đầu. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao là những từ khóa quan trọng trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Chính phủ đang quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự kiến dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ sớm được trình Quốc hội và hoạt động của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ sẽ mang lại hiệu quả trong thực tế.
Tinh thần sáng tạo sẽ còn được thúc đẩy bằng yêu cầu “hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các dịch vụ tư vấn khởi nghiệp…”. Đây là những nội dung dường như lần đầu tiên xuất hiện trong một Nghị quyết của Chính phủ, nhằm hướng tới hình thành “quốc gia khởi nghiệp”.
Nhìn từ một khía cạnh nào đó, thì phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã được minh chứng qua sự tồn tại của gần một triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập và hơn 4,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Theo báo cáo “Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015” với sự tham gia thực hiện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng hơn 70 quốc gia khác trên thế giới thì tỷ lệ “sống sót” của doanh nghiệp Việt Nam trong 3,5 năm đầu tiên hoạt động là khá cao so với ở các nước khác. Nhưng đáng tiếc rằng sau đó, tỷ lệ doanh nghiệp bị giải thể và ngừng hoạt động vẫn khá lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó lớn lên.
Xã hội không thể cứ đầu tư thành lập doanh nghiệp để rồi phải giải thể. Doanh nghiệp không thể cứ nhỏ bé dần đi. Đã đến lúc khởi nghiệp và mọi công việc kinh doanh phải tính đến hiệu quả lâu dài, tức là phải có tầm nhìn, phải ứng dụng khoa học công nghệ. Nền kinh tế phát triển nếu chỉ dựa quá nhiều vào các yếu tố đầu vào thì sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Năm 2015, lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ đã có cuộc gặp đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Nay, cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những quyết sách cụ thể để hiện thực hóa thông điệp rất mới mẻ trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, để phong trào khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.