Động lực tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục được củng cố

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Khép lại 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng và số lượng đơn hàng mới của hầu hết ngành hàng xuất khẩu (XK) đều tiếp tục tăng. Đây là thông tin bao trùm trong Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam mà S&P Global vừa công bố. Đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp (DN) tin rằng, mục tiêu tăng trưởng XK 6% trong cả năm 2024 đang rất khả thi
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong cả năm 2024 được đánh giá là rất khả thi. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong cả năm 2024 được đánh giá là rất khả thi. Ảnh: Lê Tiên

Sản lượng và đơn hàng tiếp tục gia tăng

Báo cáo của S&P Global PMI công bố ngày 4/9 cho biết, PMI đạt 52,4 điểm trong tháng 8, giảm nhẹ so với 54,7 điểm trong tháng 7/2024. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục có sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng vào thời điểm giữa quý III. Lý do là, “sức khỏe” của các ngành sản xuất đã có sự cải thiện khi nhu cầu khách hàng gia tăng; áp lực chi phí nhẹ bớt…

Thông tin với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, do có ký kết nhiều hợp đồng với khách hàng nên Công ty gia tăng chế biến để giao hàng đúng tiến độ; sản xuất tôm thành phẩm của DN tháng 8 tăng nhiều so cùng kỳ năm trước. “Với hợp đồng đang có, Sao Ta tự tin có mức tăng trưởng 2 con số ở năm 2024”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta thông tin.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm 2024 ngành dệt may đã có sự phục hồi, đơn hàng của nhiều DN đã có sự cải thiện. Cập nhật về tình hình đơn hàng của DN, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho hay, đến thời điểm này, kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV của Công ty gần được lấp đầy.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tình hình đơn hàng của các DN thành viên đang phục hồi. Ước tính 8 tháng đầu năm 2024, XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh số các sản phẩm XK chính như dăm gỗ, gỗ và sản phẩm gỗ… đều tăng.

Trước đó, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm, XK rau quả Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhất là sang thị trường lớn Trung Quốc. Ước tính, hết tháng 8/2024, kim ngạch XK rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023…

Dự báo về tình hình thị trường những tháng cuối năm, Bộ Công Thương nhận định, kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng khả quan, theo đó, XK của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Mục tiêu tăng trưởng XK 6% trong năm nay có thể đạt được.

Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Tín hiệu thị trường đang có nhiều điểm sáng, song chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện hiệp hội DN và DN vẫn đưa ra những dự báo khá thận trọng. Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mặc dù tăng trưởng 8 tháng đầu năm ở mức hai con số, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Đơn hàng vẫn thuộc về số ít DN, còn phần lớn DN vẫn phải chật vật “ăn đong”, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn không ít khó khăn, thách thức.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, DN dệt may có thể đối mặt với thách thức khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, chặt chẽ hơn liên quan tới môi trường, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may. Bên cạnh đó, các yếu tố như bất ổn địa chính trị, lạm phát… khiến chi phí ngày càng cao, có thể khiến hoạt động XK của DN gặp khó.

Ông Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, xi măng Việt Nam phải chịu áp lực cạnh, sức ép dư cung trên thị trường nội địa lớn khiến nhiều DN phải bán hàng dưới giá thành. Một số DN tìm đường XK nhưng con đường này không dễ dàng do phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc…

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tăng tốc thực hiện hơn nữa những biện pháp hỗ trợ DN “tăng sức đề kháng”. Đặc biệt là đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông thị trường XK… Bản thân các DN cũng phải tái cơ cấu, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, sạch, bền vững để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, để hỗ trợ cho DN thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh, Bộ đang đề xuất cắt giảm 19 thủ tục hành chính lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đẩy mạnh công tác tham mưu hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lắng nghe và xử lý lý khó khăn, vướng mắc qua mọi kênh thông tin để đồng hành cùng DN.

Tin cùng chuyên mục