UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định Louis Group đàm phán trực tiếp hợp đồng Dự án BT Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Ảnh: Lê Tiên |
Dự án cũ và những cái tên mới
Ngày 17/12/2009, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh đề xuất Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT. Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT như kiến nghị của Hà Nội, trong đó có dự án này.
Do một số vướng mắc, UBND TP. Hà Nội chưa thể triển khai thực hiện được toàn bộ Dự án. Ngày 2/12/2013, UBND TP. Hà Nội đã thông báo về danh mục 41 dự án không tiếp tục thực hiện theo hình thức BT trên địa bàn Thành phố, trong đó có dự án này. Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2016, HĐND TP. Hà Nội có Nghị quyết số 18/NQ-HĐND, theo đó dự án này được đưa vào danh mục các dự án trọng điểm.
Ngày 13/1/2017, Tổng công ty Sông Đà - nhà đầu tư được chỉ định thực hiện Dự án từ năm 2010, đề nghị UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP Sông Đà Hà Nội được trực tiếp thực hiện lập Đề xuất dự án theo hình thức BT kết hợp BOT trên cơ sở kế thừa những công việc trước đây Tổng công ty Sông Đà đã thực hiện.
Ngày 8/2/2017, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho phép Liên danh Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH MTV, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An kế thừa kết quả công việc trước đây Tổng công ty Sông Đà, Công ty CP Sông Đà Hà Nội đã thực hiện để nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất của Dự án. Liên danh các nhà đầu tư đã thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư Louis Group để thực hiện Dự án. Đề xuất Dự án do Công ty CP Đầu tư Louis Group lập đã được TP. Hà Nội phê duyệt.
Ngày 24/6/2017, UBND TP. Hà Nội đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định Công ty CP Đầu tư Louis Group đàm phán trực tiếp hợp đồng Dự án này.
Ông chủ Tập đoàn Lã Vọng và Louis Group
Một trong những cơ sở để UBND TP. Hà Nội kiến nghị chỉ định Louis Group là do công ty này đã kế thừa kết quả công việc của Tổng công ty CP Sông Đà, Công ty Sông Đà Hà Nội. Tuy nhiên, trong 4 cổ đông sáng lập của Louis Group, Sông Đà Hà Nội chỉ chiếm 0,104% tổng số cổ phần; UDIC chiếm 10%; còn lại Thương mại Ngôi nhà mới chiếm 43,5% và Đại An chiếm 46,3% tổng số cổ phần. Như vậy có thể nói Ngôi nhà mới và Đại An mới là những cổ đông có quyền quyết định tại Louis Group.
Theo tìm hiểu, Louis Group thành lập ngày 9/3/2017, do ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật. Địa chỉ trụ sở chính tại sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ trụ sở chính của Công ty CP Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng). Ông Lê Văn Vọng đồng thời là người đại diện pháp luật, cổ đông sáng lập của Tập đoàn Lã Vọng.
Công ty Ngôi nhà mới - cổ đông lớn thứ hai của Louis Group, chính là công ty chuyên về đầu tư thuộc Tập đoàn Lã Vọng. Ông Lê Văn Vọng cũng là người đại diện pháp luật của Ngôi nhà mới, đồng thời là một trong ba cổ đông sáng lập với 97,97% cổ phần. Hai cổ đông sáng lập còn lại là ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn. Ông Lê Văn Vọng và ông Lê Văn Vân có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Công ty Đại An tuy không thuộc Tập đoàn Lã Vọng, nhưng trong số 3 cổ đông sáng lập có ông Lê Văn Vân, một trong 3 cổ đông sáng lập của Ngôi nhà mới. Như vậy, có thể thấy Louis Group có quan hệ rất gần gũi với Tập đoàn Lã Vọng.