Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế có 4 gói thầu thi công chậm tiến độ. Ảnh: Minh Hạnh |
Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế được đầu tư 24,8 tỷ yên (tương đương 5.052 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), triển khai trên địa bàn 11 phường phía Nam TP. Huế. Quy mô đầu tư gồm hệ thống đường ống thoát nước, 7 trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải tại đô thị Đông Nam Thủy An (9,5 ha).
Dự án nhằm mục tiêu xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị phía Nam TP. Huế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát, không được xử lý và chống ngập úng cho Thành phố. Giai đoạn 1 của Dự án được thực hiện từ tháng 8/2015 và đã hoàn thành năm 2020. Quá trình thực hiện Dự án đã tiết kiệm được khoảng 1.400 tỷ đồng. Để tăng hiệu quả Dự án, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ, JICA đồng ý cho sử dụng nguồn kết dư để mở rộng quy mô đầu tư nhằm hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng thoát nước của khu vực. Thời gian thực hiện các hạng mục công việc phần vốn kết dư 1.400 tỷ đồng được Chính phủ Việt Nam và JICA gia hạn đến 30/6/2024.
Các hạng mục phần vốn dư được thực hiện thông qua 7 gói thầu, trong đó có 6 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu mua sắm hàng hoá với tổng trị giá gần 1.200 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu không qua mạng. Công tác lựa chọn nhà thầu hoàn thành từ tháng 3/2023. Hiện các gói thầu xây lắp đang được tổ chức thi công đồng loạt.
Theo Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế (đại diện Chủ đầu tư), một số gói thầu giải ngân theo hợp đồng đạt tỷ lệ cao và có khả năng hoàn thành, như: Gói thầu số 42 (H/LCB/6) Kè sông Như Ý đoạn từ Đập Đá đến Cầu Vân Dương trị giá 267,089 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình 568 - Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế thi công (giải ngân đạt 81,1% giá trị hợp đồng); Gói thầu số 44 (H/LCB/8) Kè cọc dự ứng lực sông Như Ý, khu vực bao quanh Nhà máy xử lý nước thải trị giá 276,928 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 - Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát - Công ty CP Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên Huế thi công (giải ngân đạt 97,7%).
Các gói thầu còn lại có tiến độ chậm so với kế hoạch như: Gói thầu số 41 (H/LCB/5) Thi công tuyến ống thu nước thải cho khu A, Khu đô thị An Vân Dương và thoát nước thải bổ sung các khu vực còn lại Khu đô thị An Vân Dương (giải ngân đạt 33,8% trong tổng giá trị 191.542 tỷ đồng); Gói thầu số 45 (H/LCB/9) Thi công kè trọng lực sông Như Ý, khu vực bao quanh Nhà máy xử lý nước thải, kè sông An Cựu, kè hói Long Thọ và một số tuyến cống chung (giải ngân đạt 49,4% trong tổng giá trị 200,099 tỷ đồng); Gói thầu số 46 (H/LCB/10) Thi công kè tại khu C Khu đô thị An Vân Dương (giải ngân đạt 41,6% trong tổng giá trị 174.016 tỷ đồng). Đặc biệt, Gói thầu số 43 (H/LCB/7) Thoát nước, lề đường Phạm Văn Đồng trị giá 185,029 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Thành Phát - Công ty CP Xây dựng và Thiết bị tổng hợp Nam Á thi công mới giải ngân 11,82% giá trị theo hợp đồng. Gói thầu này cũng đang gặp vướng mắc về mặt bằng.
Theo đại diện Chủ đầu tư, để hoàn thành Dự án, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đang đề xuất JICA cho điều chỉnh theo hướng gia hạn hiệp định vay. Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Chủ đầu tư, các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ thi công và hoàn tất công tác rà soát các gói thầu trước ngày 30/5/2024. Đồng thời, cấp thẩm quyền Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo Chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức họp giao ban hàng tuần để đôn đốc tiến độ, giám sát đặc biệt đối với các gói thầu đang có tiến độ chậm trễ sâu so với thời hạn hợp đồng; xử lý nghiêm các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết về tiến độ. Bên cạnh đó, yêu cầu nhà thầu có cam kết thực hiện bù tiến độ đã chậm trễ. Đối với việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Gói thầu số 43 (H/LCB/7), Tỉnh yêu cầu Chủ đầu tư phối hợp với địa phương hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng theo các mốc thời gian để đảm bảo mặt bằng cho nhà thầu thi công.