Dự án điện mặt trời đầm An Khê (Quảng Ngãi): Bị phản đối, Systech vẫn quyết tâm theo đuổi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đang vấp phải những ý kiến phản đối gay gắt từ người dân, chuyên gia văn hóa, khảo cổ học do khu vực đề xuất thực hiện Dự án là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh, được đề xuất công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Đầm An Khê - vị trí đề xuất quy hoạch và đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê. Ảnh: Hà Minh
Đầm An Khê - vị trí đề xuất quy hoạch và đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê. Ảnh: Hà Minh

Kiến nghị giữ nguyên hiện trạng

Tháng 4/2022, thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Bộ Công Thương bổ sung hai dự án điện mặt trời An Khê và Nước Mặn vào quy hoạch điện quốc gia làm dấy lên lo ngại trong dư luận. “Nếu xây dựng nhà máy điện mặt trời trên mặt nước đầm An Khê là đè lên di chỉ văn hóa Sa Huỳnh bởi Đầm An Khê là nơi lưu giữ nền văn hóa Sa Huỳnh”, ông Lê Tấn Chuẩn, Tổ trưởng tổ dân phố Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) bày tỏ quan điểm.

Theo ông Lê Thanh Kỳ ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, đây cũng là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân, là tuyệt tác thiên nhiên. Dự án công nghiệp năng lượng sẽ phá vỡ cảnh quan, xâm hại văn hóa.

Trước luồng ý kiến này, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị tham vấn “Vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ và đánh giá tác động dự án nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê”. Đa phần ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng khu vực đầm An Khê để được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, phát triển điện mặt trời trên đầm An Khê sẽ không bền vững, làm mất sinh kế của người dân. Quảng Ngãi cần kết nối đầm An Khê, làng Gò Cỏ, đồng muối Sa Huỳnh, nhà trưng bày không gian văn hóa Sa Huỳnh... tạo nền tảng phát triển du lịch.

Quyết tâm theo đuổi dự án

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê do Công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống (Systech) đề xuất quy hoạch và đầu tư với quy mô 33,9 ha, công suất thiết kế 50 MWp, mức đầu tư 981 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng (công ty con của Systech) đề xuất với quy mô 32,8 ha, công suất thiết kế 50 MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Kế hoạch hoàn thành của hai dự án này là quý IV/2024.

Systech được thành lập năm 2005, địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực giám sát thi công xây dựng các công trình điện. Năm 2014, Systech thành lập Công ty CP Systech Đà Nẵng. Ngày 29/5/2022, Công ty CP Systech Đà Nẵng thành lập chi nhánh tại Quảng Ngãi. Theo thông tin trên website của Công ty, lĩnh vực Systech tham gia nhiều nhất là thi công hệ thống điện mặt trời mái nhà, thi công các trạm biến áp và đường dây 220 kV, chưa có thông tin trực tiếp đầu tư dự án điện mặt trời.

Ở vai trò nhà thầu, Systech từng thực hiện các gói thầu trong lĩnh vực sửa chữa, cung cấp thiết bị cho công trình điện như: Gói thầu Sửa chữa, thay thế biến dòng điện, biến điện áp do Công ty Truyền tải điện 1 làm chủ đầu tư (giá trúng thầu 54,2 tỷ đồng); Gói thầu số 7 Cung cấp vật tư thiết bị nhất thứ trạm (kể cả kiểm định và phê duyệt mẫu), dây dẫn, dây chống sét, cách điện phụ kiện, cáp quang OPGW phụ kiện cho đường dây đấu nối do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam làm chủ đầu tư (58 tỷ đồng); Gói thầu số 1 Sửa chữa, thay thế dao cách ly các loại do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 trực thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện làm chủ đầu tư (47,3 tỷ đồng)…

Trước phản ứng của dư luận về việc đầu tư nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê, ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Công ty CP Systech Đà Nẵng tại Quảng Ngãi khẳng định, Nhà đầu tư quyết tâm theo đuổi đến cùng và sẽ tiếp tục triển khai Dự án khi được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.

Tin cùng chuyên mục