Dự án KCN hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng: Đề xuất đầu tư công

(BĐT) - TP. Đà Nẵng đã và đang kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung - giai đoạn 1. Nhằm tạo quỹ đất thu hút các dự án sản xuất phục vụ 2 khu công nghệ này, Thành phố dự kiến quy hoạch 102,31 ha cho Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng kinh phí 235,113 tỷ đồng. TP. Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án theo đầu tư công.
Khu phụ trợ phục vụ Khu CNC Đà Nẵng nằm liền kề Khu CNC Đà Nẵng, được điều chỉnh thành KCN hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Thủy
Khu phụ trợ phục vụ Khu CNC Đà Nẵng nằm liền kề Khu CNC Đà Nẵng, được điều chỉnh thành KCN hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Thủy

Theo UBND TP. Đà Nẵng, công nghệ cao (CNC) được Thành phố xác định là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn, đột phá phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố đã và đang kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC) với quy mô 1.128 ha và Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 với quy mô 131 ha.

Việc phát triển CNC không thể tách rời sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất CNC, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn và sử dụng nhiều chi tiết cấu thành sản phẩm rất cần các nhà cung cấp đi cùng. Nhằm tạo quỹ đất để thu hút các dự án sản xuất phục vụ Khu CNC và Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1:500 Dự án Khu phụ trợ phục vụ Khu CNC Đà Nẵng tại Quyết định 3207/QĐ-UBND ngày 23/5/2016.

Dự án nằm liền kề Khu CNC Đà Nẵng, đã được UBND Thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 235,113 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; đến nay đã giải ngân vốn xây dựng cơ bản 106,63 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,35%. Công tác đền bù giải tỏa hiện còn 19 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng (trong đó có 3 hồ sơ nhà, còn lại là đất nông nghiệp).

Tính đến nay, TP. Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 6 KCN tập trung, bao gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với quy mô tổng thể là 1.030,9 ha, trong đó diện tích hạ tầng đã xây dựng là 944,66 ha. Tỷ lệ lấp đầy là 85% với 593,09 ha đất đã cho thuê.

Đến hết năm 2019, các KCN của TP. Đà Nẵng đã thu hút 488 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư trong nước là 17.339 tỷ đồng (363 dự án), vốn đầu tư nước ngoài là 1.669 triệu USD (125 dự án). Tổng số tiền nộp ngân sách địa phương từ Khu CNC và các KCN của Thành phố năm 2019 khoảng 5.541 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách của TP. Đà Nẵng.

Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp luật về thành lập khu phụ trợ phục vụ khu CNC nên hồ sơ đánh giá tác động môi trường của Dự án đến nay chưa được duyệt. Mặt khác, trong khu CNC cũng không có quy định nào về bố trí khu phụ trợ phục vụ khu CNC.

Hiện Việt Nam có khoảng 300 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất và gần 900 cụm công nghiệp nhưng có rất ít các KCN hỗ trợ chuyên sâu. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc rà soát, chuyển đổi hoặc thành lập mới một số KCN hỗ trợ chuyên sâu, với quy mô phù hợp và những ưu đãi thích hợp về quỹ đất đai, phát triển hạ tầng, tiền thuê đất cần phải được khẩn trương triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Do vậy, TP. Đà Nẵng đã điều chỉnh Khu phụ trợ phục vụ Khu CNC Đà Nẵng thành KCN hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng và bổ sung vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, TP. Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng xem xét và chấp thuận phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN TP. Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đối với KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và đổi tên Khu phụ trợ phục vụ Khu CNC Đà Nẵng thành KCN hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng.

Ngoài ra, TP. Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư KCN hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng là dự án đầu tư công; giao UBND TP. Đà Nẵng triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.