Điều chuyển vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách: Nỗ lực cao nhất đạt mục tiêu giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chủ động rà soát, đánh giá khả năng phân bổ, tình hình thực hiện và giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án điều chuyển nội bộ vốn cho các dự án có nhu cầu, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. Quá trình này cần bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, không để phát sinh tiêu cực, lãng phí.
Nhiều địa phương đang ưu tiên tập trung vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo liên kết vùng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều địa phương đang ưu tiên tập trung vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo liên kết vùng. Ảnh: Lê Tiên

Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đầu tháng 4/2025, các bộ, địa phương đều cam kết nỗ lực cao nhất để đạt mức giải ngân theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó tỉnh Long An phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025.

Theo UBND tỉnh Long An, ngay khi có chủ trương sắp xếp, bố trí lại hệ thống cơ quan các cấp, Tỉnh đã chỉ đạo tạm hoãn khởi công các công trình trụ sở huyện/thị xã/xã, trụ sở công an huyện/thị xã/xã, trung tâm văn hóa huyện/thị xã/xã. “Nguồn vốn sau tạm dừng sẽ chuyển sang các dự án cấp bách khác để bảo đảm giải ngân đầu tư công. UBND Tỉnh yêu cầu tăng cường kỷ luật, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ, tránh thất thoát”, địa phương này cho biết.

Theo UBND tỉnh Long An, việc ưu tiên sắp xếp vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, tại Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Long An đã thống nhất chủ trương triển khai dự án và cam kết bảo đảm cân đối vốn ngân sách địa phương cho Dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua địa bàn Tỉnh. Dự án thành phần đoạn qua tỉnh Long An có tổng mức đầu tư khoảng 68.715 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 31.013,26 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 10.000,05 tỷ đồng, ngân sách TP.HCM là 1.767,88 tỷ đồng và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư là 25.934,34 tỷ đồng.

Để bảo đảm thực hiện Dự án, Long An sẽ cân đối nguồn vốn hơn 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025 - 2028. Trong đó, năm 2025 phân bổ 200 tỷ đồng, số vốn còn lại được phân bổ trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2028 và từ các nguồn tăng thu, trung bình mỗi năm phân bổ 3.266 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, để bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đối với các bộ, ngành, địa phương đang có những vướng mắc liên quan đến công tác xắp xếp, tổ chức lại các đơn vị cấp dưới, cần căn cứ thẩm quyền quyết định dự án theo Luật Đầu tư công để rà soát, đánh giá những công trình trụ sở phải sắp xếp, xác định số lượng, quy mô, danh mục các dự án cần tiếp tục triển khai để tránh lãng phí, trên cơ sở đó khẩn trương triển khai kế hoạch năm 2025 đã được giao.

Đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án quan trọng quốc gia, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng (BOT) có sự tham gia của nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, phần còn lại là nguồn vốn của nhà đầu tư.

Dự án tạo trục giao thông chiến lược kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại; kết nối các đô thị, khu công nghiệp trong vùng, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm đô thị.

Bên cạnh đó, Dự án cũng được kỳ vọng góp phần hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, tạo thành chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương hiệu quả. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2030.

Trong khi đó, UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức và các ban quản lý dự án tạm dừng triển khai các công trình, dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc trong khi sắp xếp bộ máy. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị rà soát sự cần thiết đầu tư của các công trình, dự án, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức khẩn trương rà soát, đề xuất biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể gửi Sở Xây dựng. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo xử lý các công trình, dự án xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quản lý của cấp huyện trước ngày 15/4.

TP.HCM cũng chỉ đạo, chỉ thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị hành chính cấp huyện khi thật sự cần thiết, tạm dừng nếu chưa cấp bách.

Theo tìm hiểu, TP.HCM đang cần ưu tiên, tập trung bố trí, sắp xếp vốn cho hàng loạt dự án trọng điểm triển khai trong năm 2025, gồm: Đường Vành đai 4 TP.HCM; Metro số 2; Rạch Xuyên Tâm, Kênh Đôi... Trong khi đó, hàng loạt dự án BOT với quy mô hơn 40.000 tỷ đồng cũng cần lượng vốn lớn để giải bài toán mặt bằng cho nhà đầu tư.

Các địa phương như Đà Nẵng, Gia Lai, Quảng Nam, Điện Biên, Yên Bái, Nghệ An đều cho biết đã chỉ đạo tạm dừng triển khai các công trình, dự án trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Các dự án xây dựng trụ sở hành chính công dù đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu vẫn tạm dừng ký kết hợp đồng.

Tin cùng chuyên mục