![]() |
Đến cuối tháng 6/2025, tổng khối lượng thi công hoàn thành của Dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đạt 46,01% giá trị hợp đồng. Ảnh: Như Nguyệt |
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang (cũ), đến cuối tháng 6/2025, tổng khối lượng thi công hoàn thành của DATP 3 là 2.494 tỷ đồng trên tổng số 5.421 tỷ đồng giá trị hợp đồng, đạt 46,01%. Trong đó, Gói thầu xây dựng số 1 có giá trị thực hiện 1.630 tỷ đồng, đạt 53,27% giá trị hợp đồng; Gói thầu xây dựng số 2 có giá trị thực hiện 864 tỷ đồng, đạt 36,59% giá trị hợp đồng.
Theo đánh giá của Chủ đầu tư, các công trình cầu đạt và vượt tiến độ. Tuy nhiên, tiến độ phần tuyến chưa đạt yêu cầu do nguồn cát đắp về công trường còn chậm. Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu rút ngắn tiến độ xử lý nền đất yếu để hoàn thành DATP 3 trước tháng 7/2026 song mục tiêu này rất thách thức vì thiếu cát đắp nền.
Được biết, Gói thầu xây lắp số 1 đoạn từ Km94+400 - Km113+200 do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thi công. Nhà thầu đã triển khai xây dựng đồng loạt 12/12 cầu trên tuyến, theo kế hoạch sẽ hoàn thành toàn bộ phần cầu trước ngày 31/7/2025. Ở hạng mục đường, Nhà thầu đắp nền đường tuyến chính đến cao độ sàn cắm bấc thấm được 11,5/14 km (chiều dài xử lý bấc thấm), đạt 82,1%; cắm bấc thấm 9/14 km; hoàn thành đắp gia tải 6/14 km; thi công đại trà cọc xi măng đất 38/55 đoạn.
Gói thầu xây lắp số 2 đoạn từ Km113+200 - Km131+082 do Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam đảm nhiệm thi công. Nhà thầu đã triển khai đồng loạt 12 cầu trên tuyến, phấn đấu hoàn thành toàn bộ phần cầu trong quý III/2025. Đối với hạng mục đường, Nhà thầu đắp nền đường tuyến chính đến cao độ sàn cắm bấc thấm được 12/13,27 km...
Ông Dương Đình Tuấn, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 10 thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, nguồn vật liệu đắp nền trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (cũ) rất khan hiếm do phải dựa hoàn toàn vào nguồn cát điều phối từ các mỏ ở An Giang, Bến Tre… Có thời điểm tổng nhu cầu khoảng 15.000 m3/ngày nhưng lượng cát cung ứng chỉ khoảng 4.500 m3/ngày do công suất khai thác hạn chế. Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nói riêng và các nhà thầu thi công DATP 3 nói chung có một thời gian dài không có nguồn cát. Dù khởi công từ tháng 6/2023 nhưng tới tháng 5/2024 Nhà thầu mới được giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, mỏ này bị khống chế công suất khai thác (3.700 m3/ngày). Tình hình căng hơn bởi từ tháng 8/2024 đến hết tháng 3/2025, nguồn cát của Dự án bị điều chuyển tập trung cho cao tốc trục dọc (cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau). Để bảo đảm tiến độ, mỗi khi cát về công trình, Nhà thầu phải huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân sự tổ chức thi công với biện pháp khoa học.
Đại diện Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam cho biết, tới cuối tháng 6, nguồn cát san lấp từ 3 mỏ với sản lượng khoảng 2,2 triệu m3 được cung ứng, cơ bản giải tỏa áp lực về cát đắp nền. Nhằm đẩy nhanh tiến độ Gói thầu xây lắp số 2, các đơn vị tư vấn, Chủ đầu tư, Nhà thầu thống nhất đề xuất chọn phương án điều chỉnh giải pháp xử lý đất yếu bằng cọc xi măng đất thay cho giải pháp cắm bấc thấm và gia tải. Ưu điểm của giải pháp kỹ thuật này là không cần phải chờ lún nền đường mà vẫn xử lý lún tương đối triệt để; không cần huy động thêm nguồn vật liệu cát đắp gia tải nên giảm áp lực trong việc huy động nguồn vật liệu…
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang (cũ) cho biết, việc điều chỉnh giải pháp kỹ thuật là cần thiết nhằm rút ngắn tiến độ, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. “Tỉnh đã thống nhất theo đề xuất của Sở Xây dựng và đơn vị thiết kế lập thủ tục điều chỉnh giải pháp thay đổi phương án thiết kế xử lý nền đất yếu nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện. Cụ thể, đối với những đoạn đã thi công cắm bấc thấm, khẩn trương tiến hành đắp cát gia tải để bảo đảm tiến độ. Đối với những đoạn chưa triển khai thi công bấc thấm, tính toán từng lý trình cụ thể, đồng ý điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu từ bấc thấm sang cọc xi măng đất và giải pháp kết hợp để rút ngắn thời gian”, lãnh đạo Sở Xây dựng nói.