Trung tâm hành chính 2.000 tỷ đồng của Đà Nẵng bị chê vì thiếu không khí. Ảnh: Lê Tiên |
Công trình hư hỏng, cha chung không ai khóc
Việc công trình hoàn thành không bao lâu đã hư hỏng hoặc phát hiện sau thiết kế dường như là chuyện thường ngày của đầu tư công.
Mấy ngày nay, dư luận đang rất nóng với ý định “bỏ” Trung tâm hành chính Đà Nẵng với lý do không khí chưa sạch, quá nóng, thiếu “khí tươi”, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người làm việc trong Tòa nhà. Điều đáng nói là công trình hơn 2.000 tỷ đồng này mới chỉ được sử dụng chưa đầy 2 năm.
Chỉ một tuần sau lễ khánh thành, công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng với mức đầu tư hơn 410 tỷ đồng đặt tại xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã bị hỏng một phần nền gạch trước mặt tượng đài. Tượng đài văn hóa của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) trị giá 25 tỷ đồng bị sét đánh vỡ phần chóp vào giữa năm 2015, sau vụ việc, người ta mới phát hiện ra công trình tiền tỷ, có chiều cao dễ bị sét đánh lại không có cột thu lôi.
Một công trình khác cũng nhờ thời tiết mà phát lộ chất lượng công trình là cột điện của đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa tại Bắc Giang đã bị đổ sau một trận mưa lớn kèm theo giông lốc. Tại thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã khẳng định: “Đây là sự cố bất thường trong điều kiện thời tiết không quá khác thường”. Sau sự bất thường đó, vấn đề chất lượng thiết kế, thi công được đặt ra như là nguyên nhân của sự việc nhưng cho đến nay, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý như thế nào vẫn chưa rõ!
Dự án Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì, tại thời điểm phóng viên Báo Đấu thầu khảo sát, sau 7 năm công trình hoàn thành, nhiều vị trí tường nhà bị thấm nước, bong tróc lớp vữa trát, thang máy không hoạt động, một số vị trí cửa bị mối mọt, đã bị rơi ra ngoài, sân nhiều chỗ đã bị lún, bong tróc, hệ thống thoát nước mái một số tòa nhà bị vỡ đường ống thoát. Nhìn công trình này nhiều người nghĩ đã được hoàn thành hàng mấy chục năm.
Đó chỉ là vài công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước được đưa vào sử dụng ít lâu đã hư hỏng, xuống cấp. Thế nhưng, sẽ có muôn ngàn lý do được đưa ra cho những sự cố, và rồi sau đó, chẳng có mấy cá nhân hay đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm. Dự án đầu tư công dường như mới được giám sát cho đến khâu hoàn thành dự án, mà chưa chú trọng đến cả vòng đời dự án.
Cần đánh giá hiệu quả dự án sau khi đi vào sử dụng
Trả lời câu hỏi này, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh cho rằng, nếu công trình đầu tư công bị hư hỏng khi đi vào vận hành thì cần phải xem xét lại tất cả quy trình dự án, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện dự án từ thiết kế, thẩm định, lựa chọn nhà thầu. Cần thiết đưa kiểm toán, thanh tra vào để đánh giá lại toàn bộ dự án, từ đó xem xét trách nhiệm ở đâu, xử lý như thế nào.
Theo TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện nay, việc đánh giá lại hiệu quả dự án đầu tư công sau khi hoàn thành, đi vào sử dụng gần như chưa được thực hiện. Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, vừa được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến, đã xác định mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai nguồn vốn đầu tư công giữa các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công.
Theo TS. Đinh Trọng Thắng, việc công khai, cạnh tranh nguồn vốn đầu tư công và hiệu quả sử dụng vốn của các đơn vị theo lộ trình sẽ có tác động nâng cao hiệu quả đầu tư công. Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, cần thiết lập hệ thống thông tin quản lý thống nhất trong cả nước về đầu tư công, trong đó, công khai và minh bạch hóa thông tin về đầu tư nhà nước nói chung và từng dự án đầu tư nhà nước nói riêng từ thực hiện dự án đến sau khi đi vào vận hành trong cả vòng đời dự án.