Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh: Trương Gia |
Hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như một “ngọn lửa đang âm ỉ cháy”, chỉ cần môi trường và “chất xúc tác” thuận lợi là có thể bùng lên. Việt Nam đang kiến tạo môi trường và những yếu tố thuận lợi cho ĐMST nói chung và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.
Kiến tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, về mặt chính sách, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực. “Đảng và Nhà nước đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với động lực chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chủ trương về thúc đẩy khoa học công nghệ, ĐMST và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong đó, tập trung vào 3 đột phá chiến lược: thể chế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT thông tin.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ KH&ĐT, đã nghiên cứu, trình Thủ tướng ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi về ĐMST; phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam với hàng nghìn chuyên gia, trí thức về khoa học công nghệ và ĐMST…
Nhờ những nỗ lực đó, năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về kinh tế, trong đó, hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức tích cực.
Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu 2023. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran). Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp cùng Ấn Độ và Cộng hòa Moldova. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Vinnie Lauria, Đối tác sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures cho biết, đến thời điểm này, Quỹ Golden Gate Ventures đã đầu tư ở Việt Nam hơn một thập kỷ. Đặc biệt, hai năm qua, Quỹ đã đạt những dấu mốc phát triển đáng kể tại Việt Nam với việc quyết định đặt văn phòng đại diện.
“Lý do Quỹ lựa chọn đầu tư tại thị trường Việt Nam bởi Việt Nam có nguồn lực con người rất tốt, chất lượng giáo dục được nâng cao, theo đó, chất lượng đội ngũ con nhân lực cũng không ngừng tăng lên. Đây là động lực tuyệt vời để họ có thể thực hiện các công việc tốt hơn trong tương lai”, ông Vinnie Lauria đánh giá.
Đại diện Quỹ Golden Gate Ventures chia sẻ, ông rất ấn tượng với đội ngũ doanh nhân Việt Nam kiên cường, có khả năng chống chịu cũng như thích ứng cao với bối cảnh để vươn lên. Theo ông Vinnie Lauria, đây là những điểm cộng quan trọng các nhà đầu tư khởi nghiệp ĐMST “xuống tiền”.
Bên lề Diễn đàn, bà Thái Vân Linh, cố vấn cấp cao Quỹ đầu tư Openspace Venture nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam đã và đang rất ủng hộ hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Bằng chứng là, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư vào hoạt động này đã được ban hành như chính sách thuế, chính sách về visa…
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp để thúc đẩy đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Lê Tiên |
Sẵn sàng nắm bắt cơ hội
Nhiều nhà đầu tư quốc tế nhận định, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư quốc tế, trong đó có các ngành công nghiệp giá trị cao. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ như Intel, Google, Foxconn, Apple, Samsung, Marvell… đều đã có mặt ở Việt Nam.
Theo ông Vinnie Lauria, gần đây Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Các hoạt động này đã vạch ra một lộ trình dài hạn cho Việt Nam không chỉ với tư cách là một trung tâm sản xuất hàng đầu, mà còn là trung tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Để vượt qua thách thức, thúc đẩy đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, ông Anwar Aribi, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần đầu tư vào con người. Đây là giải pháp nhằm đưa đất nước có những bước chuyển đổi, phát triển lên tầm cao mới. Kinh nghiệm thế giới từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, đây là quá trình đầu tư dài hạn, nhưng rất cần thiết, rất quan trọng.
Cùng quan điểm, bà Thái Vân Linh nhấn mạnh, muốn vươn ra toàn cầu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cần nâng cao kỹ năng mềm, nhất là ngoại ngữ. Bên cạnh đó, để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư thì cần tiếp tục nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Một số ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh mới, nhiều ngành nghề kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Để thành công thì việc hoàn thiện cơ chế chính sách cho các hoạt động này rất cần thiết, trong đó có cơ chế thử nghiệm để những chủ thể khởi nghiệp ĐMST dám dấn thân, dám nỗ lực. Nhiều người đặt niềm tin vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ là điểm hội tụ, kết nối các nỗ lực cho công cuộc ĐMST Việt Nam vươn ra biển lớn.
Cần thêm chính sách và cơ chế thuận lợi hơn để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
TS. Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại Hàn Quốc
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ĐMST. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chiến lược quốc gia để khuyến khích khởi nghiệp và ĐMST.
Khát vọng khởi nghiệp, ĐMST ở giới trẻ Việt Nam ngày càng lớn. Nhiều bạn trẻ đã tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình hỗ trợ vốn cho startup. Các cộng đồng và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng phát triển mạnh. Tuy nhiên, khởi nghiệp ĐMST tạo ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Các startup Việt vẫn thiếu vốn, thiếu tài nguyên, chưa thực sự bứt phá. Số lượng startup thành công còn hạn chế.
Để phát triển mạnh mẽ hơn, cần có thêm nhiều chính sách và cơ chế thuận lợi hơn, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và tạo môi trường thuận lợi hơn cho ĐMST.