Gần 70 dự án vi phạm luật đất đai tại Thanh Hóa bị "bêu tên"

0:00 / 0:00
0:00
Gần 70 trường hợp được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất liên tục và chậm tiến độ đầu tư đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa rà soát, "bêu tên".

Gần 70 dự án vi phạm bị "bêu tên"

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về việc tiếp tục thực hiện công khai và gỡ bỏ thông tin công khai vi phạm pháp luật đất đai đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, Sở TN-MT đã có các báo cáo Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cập nhật danh sách 46 trường hợp đang vi phạm pháp luật đất đai phải đăng công khai và 6 trường hợp đăng công khai vi phạm pháp luật đất đai đã khắc phục xong vi phạm trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ TN-MT.

Mới đây, Sở TN-MT Thanh Hóa đã thực hiện rà soát, tiếp tục cập nhật bổ sung 21 trường hợp đang vi phạm pháp luật đất đai và cập nhật thêm 2 trường hợp đang đăng công khai đã khắc phục xong vi phạm pháp luật đất đai.

Gần 70 trường hợp được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất liên tục và chậm tiến độ đầu tư đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa rà soát, "bêu tên" (Ảnh chụp màn hình).

Gần 70 trường hợp được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất liên tục và chậm tiến độ đầu tư đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa rà soát, "bêu tên" (Ảnh chụp màn hình).

Tính đến ngày 6/3, tại địa phương này có tổng cộng 67 trường hợp đang vi phạm pháp luật đất đai phải đăng công khai và 8 trường hợp đăng công khai vi phạm pháp luật đất đai đã khắc phục xong vi phạm trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ TN-MT và Tổng cục Quản lý đất đai.

Qua tìm hiểu, hầu hết trường hợp vi phạm được giao, cho thuê hàng nghìn đến hàng trăm nghìn m2 đất nhưng đều vi phạm không sử dụng đất liên tục và chậm tiến độ đầu tư. Hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm là cho gia hạn, giãn tiến độ… sử dụng đất từ 6 đến 24 tháng.

Trong đó, nhiều dự án có diện tích vi phạm lớn như: Dự án Trường Trung học dân lập Kỹ thuật Visco của Công ty CP VNJ, diện tích 125.928 m3, tại phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa; Nhà máy liên hợp chế biến gỗ xuất khẩu rừng bền vững toàn cầu của Công ty CP ĐT&PT kinh tế bền vững toàn cầu, diện tích 30.000 m2, tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn; dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung và xưởng sản xuất, chế biến làm vật liệu xây dựng của Công ty TNHH MTV sản xuất đá Vạn Long, diện tích 29.1.44 m2, tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định; dự án xây dựng trạm dừng nghỉ và dịch vụ hậu cần quốc tế (giai đoạn 1) của Công ty CP tập đoàn Tân Phục Hưng, diện tích 64.470 m2, tại xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn; dự án sản xuất vật liệu nung trang trí liên hợp giai đoạn 3 của Công ty CP SX&TM Lam Sơn, diện tích 29.887 m2, tại phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn…

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu người trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), chủ đầu tư các dự án đô thị, khu dân cư chấp hành nghiêm quy định về xây dựng hạ tầng, công trình trên đất đúng quy hoạch, tiến độ, chất lượng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình, biên bản bàn giao đất kèm nhà thô cho người mua khi thực hiện giao dịch, chuyển nhượng bất động sản; kịp thời xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm.

Xử lý nghiêm hoạt động đấu giá đất mang tính xã hội đen

Để kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá QSDĐ ở một số nơi để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, lãng phí nguồn lực đất đai…, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, tỉnh này giao Sở TN-MT tham mưu xác định giá khởi điểm đối với những thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo bảng giá đất) từ 20 tỷ đồng trở lên trên cơ sở khảo sát thực tế đầy đủ, khách quan, trung thực các giao dịch đất đai, bất động sản ở địa phương, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và sát với giá trị trường tại thời điểm định giá; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai sót, vi phạm trong công tác tham mưu.

Sau hơn một thập kỷ chậm tiến độ, mới đây, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương dừng dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn, có tổng diện tích gần 40ha, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng ở huyện Ngọc Lặc.

Sau hơn một thập kỷ chậm tiến độ, mới đây, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương dừng dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn, có tổng diện tích gần 40ha, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng ở huyện Ngọc Lặc.

Việc rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá QSDĐ đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về xác định giá khởi điểm, đấu giá QSDĐ; không để tình trạng lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường cũng được nêu.

Ngoài ra là đánh giá cụ thể tác động của kết quả đấu giá QSDĐ trong thời gian vừa qua, nhất là những trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường nhà ở, bất động sản.

Công an tỉnh Thanh Hóa được giao phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền các cấp trong việc đảm bảo an ninh, trật tự và bố trí đủ lực lượng đảm an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá QSDĐ, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng QSDĐ theo hình thức đấu giá.

Đơn vị này cũng nắm bắt tình hình, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi thông đồng, dìm giá, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen, đảm bảo không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện đấu giá QSDĐ, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng QSDĐ theo hình thức đấu giá thuộc thẩm quyền…

Tin cùng chuyên mục