Nếu không sớm thông qua Luật Đấu giá tài sản thì nhiều vấn đề liên quan đến đấu giá tài sản sẽ bị vướng. Ảnh: Lê Tiên |
Luật đủ “độ chín” thì trình
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đã được Quốc hội thông qua thì Luật ĐGTS sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua vào cuối năm nay tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, tại Phiên họp thứ 45 vào ngày 17/2/2016 khi cho ý kiến về việc đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, UBTVQH đã thống nhất thông qua luật này ngay tại Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 3 tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý là một trong số ít thành viên UBTVQH không đồng tình với việc trình Quốc hội thông qua Luật ĐGTS khi cho rằng, tại Kỳ họp cuối cùng, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật Báo chí; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Dược; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong khi đó, quỹ thời gian của Kỳ họp thứ 11 rất ngắn (thường là 2 tuần) như thông lệ tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ của các khóa trước đây nên công tác lập pháp tại kỳ họp này là rất nặng.
Theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu nội dung Dự thảo Luật ĐGTS bảo đảm tính khả thi sau khi chỉnh lý, bổ sung, đã đủ chín muồi thì trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 11, còn nếu không thì dứt khoát không bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 vì chương trình làm việc Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội đã quá nặng nề. Bởi khác các kỳ họp khác, kỳ họp cuối cùng, Quốc hội phải tập trung cho ý kiến vào báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, UBTVQH; Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đơn vị chủ trì thẩm tra Dự thảo Luật ĐGTS) cho biết, về cơ bản Dự thảo Luật đã đủ “độ chín”, có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì hiện tại Luật ĐGTS chỉ còn 2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau là xử lý đối với Trung tâm bán ĐGTS; và có luật hóa việc ĐGTS bảo đảm của tổ chức tín dụng và nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) hay không.
Vướng mắc không nhiều
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ ĐGTS đã có sự phát triển đáng kể về số lượng trong mấy năm gần đây. Hiện cả nước có khoảng 200 DN đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ bán ĐGTS, trong đó có hơn 20 DN cung cấp dịch vụ bán ĐGTS chuyên nghiệp. Trong khi đó, cả nước có 63 Trung tâm bán ĐGTS (đơn vị sự nghiệp công lập), nhưng chỉ có 12 đơn vị tự chủ 100% về tài chính, 46 đơn vị được Nhà nước bao cấp một phần kinh phí, 5 đơn vị được bao cấp 100% kinh phí.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, nền kinh tế hoạt động càng sâu rộng theo nguyên tắc thị trường thì hoạt động ĐGTS càng phát triển, là cơ hội để nhiều DN tham gia vào lĩnh vực này nên không quá lo ngại. Đây cũng là điều kiện để chuyển Trung tâm ĐGTS, đặc biệt là 12 đơn vị tự chủ về tài chính và 46 đơn vị tự chủ được một phần tài chính chuyển sang hoạt động theo mô hình DN. “Chỉ có vướng mắc đôi chút là hiện có 15 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có DN cũng như chưa có trung tâm đấu giá tự chủ được 100% hay tự chủ được một phần về tài chính nên việc xử lý Trung tâm bán ĐGTS cần phải có lộ trình phù hợp”, ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu.
Về tài sản là nợ xấu, tài sản đảm bảo do VAMC quản lý, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tâm, luật chỉ quy định về những vấn đề chung mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện vì đây là một loại tài sản đặc biệt có tác động đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, chính sách tài chính tiền tệ.
“Chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền lệ về xử lý vấn đề này, do đó giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu quy định là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng nghị định kèm theo Dự thảo Luật ĐGTS trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và kịp thời ban hành để xử lý những vấn đề bức xúc trong nền kinh tế trong thời gian vừa qua”, ông Nguyễn Thành Tâm đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, đối với ĐGTS là nợ xấu của VAMC, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng đa phần ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị không nên luật hóa, mà chỉ nêu nguyên tắc đấu giá vào Luật ĐGTS, trên cơ sở này Chính phủ ban hành nghị định để xử lý, sau một thời gian thực hiện thì nâng lên thành luật hoặc pháp lệnh.
Thông qua sớm ngày nào hay ngày đó
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nên thông qua Luật ĐGTS tại Kỳ họp thứ 11 vì vướng mắc không còn nhiều và cũng đã có hướng giải quyết. “Thông qua Luật ĐGTS sớm ngày nào hay ngày đó vì Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 sắp có hiệu lực. Nếu không sớm thông qua Luật ĐGTS thì nhiều vấn đề liên quan đến ĐGTS khi thực hiện 2 bộ luật này sẽ bị vướng”, ông Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Hiện, thông qua Luật ĐGTS tại Kỳ họp thứ 11 vẫn hoàn toàn tuân thủ theo đúng quy trình xây dựng luật là luật được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước khi thông qua. “Luật ĐGTS đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, sau đó Ban soạn thảo đã tổ chức tổng hợp tiếp thu ý kiến, giải trình ý kiến và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào những vấn đề còn vướng mắc tại Kỳ họp thứ 11 trước khi thông qua là hoàn toàn đúng quy trình xây dựng luật”, ông Nguyễn Văn Hiện giải thích.
Chủ trì Phiên họp thứ 45 của UBTVQH vào ngày 17/2, khi cho ý kiến về việc đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo phải gấp rút nghiên cứu, chuẩn bị giải trình 2 vấn đề còn ý kiến khác nhau để trình Quốc hội cho ý kiến trước khi thông qua tại Kỳ họp thứ 11 vào tháng 3 tới.