Gấp rút triển khai các giải pháp hỗ trợ DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại phiên thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là khó khăn của DN. Theo đó, cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Một số đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức giảm thuế VAT hoặc kéo dài thời gian thực hiện tới giữa năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Huyền Trang
Một số đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức giảm thuế VAT hoặc kéo dài thời gian thực hiện tới giữa năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Huyền Trang

Khó khăn của doanh nghiệp là lớn nhất

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có nhiều DN phải giải thể, phá sản do khó khăn về đơn hàng. “Quận 1 nói riêng và TP.HCM nói chung đang chuẩn bị đại hội công đoàn các cấp. Qua công tác chuẩn bị cho thấy, số lượng công đoàn cơ sở mà Quận 1 đang quản lý giảm đáng kể. Trước đây, các vị trí trung tâm ở Quận hoạt động kinh doanh rất sầm uất, nhưng nay có tới 30% số cửa hàng đóng cửa”, bà Châu thông tin thêm.

Dẫn số liệu của từ báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đánh giá, so với các năm trước, số DN báo lãi giảm, đặc biệt số DN báo lỗ tăng lên, mức độ lạc quan của DN không được cải thiện. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Hiếu, là vẫn còn những rào cản trong môi trường kinh doanh gây khó khăn cho DN.

Theo ông Hiếu, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, tiến trình này đang có dấu hiệu chững lại. “Ở một số lĩnh vực, do gặp phải nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, có tới 42% DN phải trì hoãn, thậm chí từ bỏ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thực tế này rất đáng quan ngại”, ông Hiếu lo lắng.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là khó khăn của DN. Theo Bộ trưởng, DN đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn là dòng tiền, thị trường, khả năng hấp thụ vốn. “DN không có đơn hàng thì vay vốn để làm gì, nhập về sản xuất lại tồn kho… Trong khi đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương còn chậm, gây ách tắc, khó khăn cho DN, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ giải quyết công việc”, Bộ trưởng trăn trở.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, chúng ta đã làm khá tốt việc cải thiện các thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, giúp giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh không cần thiết, nhưng giờ đâu đó lại xuất hiện thủ tục mới, rào cản mới.

Theo Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, những tháng đầu năm 2023, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Nhiều DN đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng dự án, bán cổ phần với mức giá thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Tình trạng DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.

Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là một giải pháp trọng tâm để vực dậy doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: Tường Lâm

Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là một giải pháp trọng tâm để vực dậy doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: Tường Lâm

Tháo gỡ thế nào?

Cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho DN là việc không thể chậm trễ hơn nữa, tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là phải quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp để tăng “trợ lực”, giúp DN vực lên, nắm bắt cơ hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2023 nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, đây là giải pháp rất tốt, nên áp cho tất cả đối tượng chứ không riêng một nhóm đối tượng nào nhằm kích cầu tiêu dùng, kích cầu sản xuất. Cũng theo ông Tuấn, cùng với chính sách giảm 2% thuế VAT cho DN, có thể xem xét thêm việc giảm thuế khác nhằm hỗ trợ DN được nhiều hơn, bởi đây là các giải pháp có hiệu quả cao, tác động nhanh.

Một số ý kiến khác cho rằng, có thể cân nhắc tăng mức giảm thuế VAT lên 3 - 4% thay vì 2% như đề xuất, hoặc kéo dài thời gian thực hiện, tới giữa năm 2024.

Trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là cách thức hỗ trợ không tốn nhiều chi phí nhưng lại mang hiệu quả lớn. “Vì thế, trong năm 2023, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là một trọng tâm với tinh thần quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những năm trước”, ông Hiếu khuyến nghị.

Đặc biệt, theo ông Hiếu, trong bối cảnh hiện nay, không nên ban hành thêm bất cứ chính sách nào làm gia tăng chi phí và tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp bắt buộc phải thực hiện các cam kết quốc tế hoặc vì mục tiêu quản lý nhà nước thì khi ban hành quy định cần tính tới cơ chế hỗ trợ chi phí cho DN để bảo đảm chi phí tuân thủ quy định.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ách tắc về thủ tục hành chính nếu không tháo gỡ nhanh sẽ gây cản trở hoạt động DN, nền kinh tế. Vì thế, mong các đại biểu Quốc hội giám sát ngay công việc ở địa phương, qua thúc đẩy địa phương cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn; hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo; có thêm giải pháp để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, để tận dụng cơ hội tạo sức cầu cho toàn bộ nền kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tới…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó, rà soát làm rõ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo của các luật liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (nếu có) và kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới. Một quốc gia muốn phát triển thì thiết kế thể chế pháp luật luật phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương)

Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề niềm tin. Nếu để mất niềm tin trên thị trường thì rất khó phát triển kinh tế một cách bền vững. Những giải pháp hỗ trợ về huy động vốn, nới room tín dụng là điều kiện tốt cho DN, nhưng DN còn cần nhiều hơn. DN thấy cơ chế, chính sách được tháo gỡ tốt sẽ có niềm tin để lên kế hoạch kinh doanh mới.

Từ phía DN, DN cũng cần nỗ lực, tạo cho mình một cơ thể tốt, đổi mới, cấu trúc lại, chuyển dịch lĩnh vực phù hợp xu thế mới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội)

Trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm, việc giảm thuế sẽ khuyến khích tăng cầu, trước hết là tăng cầu tiêu dùng, mỗi một người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng được số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các DN phát triển.

Khi DN phục hồi, phát triển sẽ tạo ra nguồn thu để bù đắp cho ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục