Giá dầu thế giới giảm mạnh nhất 7 tuần

Xu hướng giảm điểm mạnh thời gian gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ đã gây áp lực giảm không nhỏ lên giá dầu...
Máy bơm dầu đang hoạt động trên một mỏ dầu ở Andrew, Texas, Mỹ - Ảnh: Getty/Market Watch.
Máy bơm dầu đang hoạt động trên một mỏ dầu ở Andrew, Texas, Mỹ - Ảnh: Getty/Market Watch.

Giá dầu thế giới phục hồi nhẹ sáng nay (3/4), sau khi có cú giảm mạnh nhất 7 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. Lượng dầu tồn kho lớn ở cảng dầu Cushing của Mỹ và nỗi lo xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là những nhân tố chính phủ bóng lên thị trường dầu ở thời điểm này.

Lúc 10h30 trưa nay theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,14 USD/thùng so với đóng cửa phiên hôm qua, đứng ở 63,15 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,16 USD/thùng, lên mức 67,8 USD/thùng.

Đêm qua, giá dầu WTI giảm mạnh nhất kể từ hôm 9/2. Lúc chốt phiên, giá dầu WTI giao sau mất 1,93 USD/thùng, tương đương giảm khoảng 3%, còn 63,01 USD/thùng.

Giá dầu Brent đóng cửa giảm 1,7 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 67,64 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm thứ tư trong vòng 5 phiên trở lại đây.

Xu hướng giảm điểm mạnh thời gian gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ đã gây áp lực giảm không nhỏ lên giá dầu. Bên cạnh đó, việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế quan lên hàng hóa của nhau khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đẩy cao, làm giới đầu tư dầu lửa càng bi quan hơn.

Những mối lo này đang lấn át những nhân tố hỗ trợ gần đây của giá dầu, bao gồm hoạt động khoan dầu của Mỹ giảm và nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu vì bất ổn địa chính trị ở Trung Đông. Trong quý 1, giá dầu WTI đã tăng 7,5%.

Tuần trước, các nhà đầu tư dồn sự chú ý vào khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế 2015 về kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran và áp lệnh trừng phạt kinh tế trở lại đối với nước này. Nếu điều này xảy ra, giá dầu thế giới có thể tăng vọt.

Liên quan đến nguồn cung dầu ở Mỹ, công ty Baker Hughes hôm thứ Năm cho biết số giàn khoan dầu hoạt động ở nước này đã lần đầu tiên giảm xuống trong 3 tuần. Theo đó, số giàn khoan hoạt động giảm 7 giàn, còn 797 giàn. Từ tháng 6/2016 đến nay, xu hướng chính của số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ là tăng lên.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Price Futures Group, nói rằng ngoài nỗi lo chiến tranh thương mại, giá dầu còn đang bị đẩy xuống bởi số liệu cho thấy lượng dầu tồn ở Cushing, cảng dầu hàng đầu của Mỹ thuộc bang Oklahoma, bất ngờ tăng. Trong tuần trước, lượng dầu tồn này tăng 2,7%, đạt 2,645 triệu thùng.

"Đây chắc chắn là một yếu tố khiến giá dầu giảm", ông Flynn nói.

Một loạt thông tin khác cũng đang gây bất lợi cho giá dầu, bao gồm tin quốc gia vùng Vịnh Bahrain vừa phát hiện mỏ dầu lớn nhất kể từ khi nước này bắt đầu khai thác dầu cách đây gần 90 năm.

Ngoài ra, sản lượng dầu lửa của Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã đạt mức 10,97 triệu thùng trong tháng 3, so với mức 10,95 triệu thùng trong tháng 2 và là mức cao nhất trong 11 tháng.

Trong khi đó, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới Saudi Arabia được cho là sẽ giảm giá tất cả các loại dầu bán cho khách mua từ châu Á trong tháng 5 tới.

Hồi tháng 1, giá dầu Brent có lúc đạt 71,28 USD/thùng, cao nhất từ đầu năm. Tuần trước, giá dầu Brent cũng có thời điểm tái lập mốc 71 USD/thùng nhưng không thể tiến cao hơn.

Tin cùng chuyên mục