Gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Bức tranh” gia nhập và tái gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN) trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục gam màu tích cực với số DN đăng ký thành lập mới tăng trên tất cả 6 vùng của cả nước.
Hơn 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Nhã Chi
Hơn 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Nhã Chi

Tiếp nối đà tăng

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục đà tăng kể từ tháng 5/2024, cả nước có 14.735 DN đăng ký thành lập mới trong tháng 7/2024 với số vốn đăng ký đạt 110.408 tỷ đồng, tăng 7,3% về số DN. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng 7/2024 là 88.413 người, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 95.217 DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký của DN thành lập trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 854.646 tỷ đồng, tăng 2,4% so với 7 tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, cả 6/6 khu vực trên cả nước đều có số DN đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc có 4.990 DN, tăng 11,2%; Đông Nam Bộ có 40.382 DN, tăng 9,4%; Đồng bằng sông Cửu Long có 6.931 DN, tăng 7,3%...

Số liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, phần lớn các ngành kinh tế đều có số DN thành lập mới tăng như: vận tải, kho bãi; sản xuất, phân phối, điện, nước, gas; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng…

Cùng với DN thành lập mới tăng, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2024 ghi nhận số DN quay trở lại thị trường tiếp tục tăng. Tháng 7/2024 có 8.201 DN quay trở lại hoạt động, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 44.273 DN quay trở lại hoạt động, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số DN quay trở lại hoạt động trong 7 tháng 2024 tăng ở 12/17 lĩnh vực.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đinh Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp điện Quang Huy cho biết, hoạt động kinh doanh của DN đã có tín hiệu tích cực hơn. Mặc dù vậy, theo ông Long, nhìn chung tốc độ phục hồi của lĩnh vực xây dựng còn chậm.

Trong lĩnh vực dệt may, nhiều DN cho biết, đơn hàng đang rất khả quan. Theo Công ty CP Dệt may Thành Công, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

Tiếp tục đồng hành cùng DN

Bên cạnh những điểm sáng trong hoạt động gia nhập thị trường và tái gia nhập trường của DN, 7 tháng đầu năm 2024, cả nước vẫn có tới 125.456 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, mỗi tháng Việt Nam vẫn có khoảng 18.000 DN rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Long cho hay, mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng những khó khăn cũ vẫn còn nguyên, chưa kể khó khăn mới xuất hiện tạo áp lực cho DN. “Giá cả nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất tiếp tục tăng đang “bào mòn” lợi nhuận của DN. Cụ thể, nhiều loại chi phí thực tế của DN đang cao hơn nhiều so với định mức ban hành, tác động trực tiếp tới hiệu quả của DN”, ông Long nhận xét.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội DN xi măng Việt Nam nhấn mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN xi măng đang gặp nhiều khó khăn do “bế tắc” về đầu ra. Theo ông Cung, do thị trường bất động sản, xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn nên sức cầu với mặt hàng xi măng vẫn thấp. “Giá bán xi măng vẫn giảm, thậm chí dưới giá thành, nhưng DN vẫn phải bán để duy trì dòng tiền, việc làm cho người lao động”, ông Cung chia sẻ.

Ông Cung kỳ vọng, DN xi măng được khẩn trương tháo gỡ khó khăn bằng việc Nhà nước có giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; đưa xi măng vào xây dựng dự án cầu cạn… “Từ ngày 1/8, Luật Đất đai và một số luật liên quan có hiệu lực. Để quá trình thực thi các luật có hiệu quả, các nghị định, thông tư cũng như văn bản hướng dẫn cần được khẩn trương ban hành, tránh tình trạng phải chờ hướng dẫn nhiều tháng, thậm chí hàng năm làm giảm hiệu quả của chính sách tốt khơi thông thị trường”, ông Cung khuyến nghị.

Một số DN cho biết, bất cập từ định mức, đơn giá là tác nhân không nhỏ ảnh hưởng đến “sức khỏe” của nhà thầu. Do đó, để đơn giá, định mức của Nhà nước thanh toán cho nhà thầu sát với thực tế thì các cơ quan quản lý cần tổng hợp, đánh giá để cập nhật thường xuyên giúp các chủ đầu tư có cơ sở điều chỉnh giá thanh toán cho nhà thầu, nhất là khi thực tế thi công có nhiều biến động về giá cả nguyên vật liệu.

Trước tình hình thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh những tháng đầu năm 2024 vẫn còn nhiều lực cản với DN, tốc độ cải thiện vẫn chậm, TS. Nguyễn Minh Thảo - chuyên gia môi trường kinh doanh cho rằng, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cần được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực thi hơn nữa nhằm hỗ trợ thực chất cho DN, giúp DN vượt qua khó khăn, nắm bắt tốt hơn cơ hội kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục