Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng tăng nhiều so với cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế đến ngày 31/7/2023 cho thấy, tỷ lệ giải ngân tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, ước giải ngân vốn kế hoạch 7 tháng năm 2023 là 267,625 nghìn tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch. Trước đó, tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ ngân của cả nước mới đạt 28,63% so với kế hoạch.
Ước thanh toán vốn NSNN tới hết 31/7/2023 là hơn 267,625 nghìn tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch (đạt 37,85% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Hợp long cầu Mỹ Thuận 2. (nhà thầu cung cấp)
Ước thanh toán vốn NSNN tới hết 31/7/2023 là hơn 267,625 nghìn tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch (đạt 37,85% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Hợp long cầu Mỹ Thuận 2. (nhà thầu cung cấp)

Theo nguồn thông tin này, tổng kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 808,170 nghìn tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2023 là hơn 54,123 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là hơn 754,047 nghìn tỷ đồng. Ước thanh toán vốn từ đầu năm đến hết 31/7/2023 là hơn 284,238 nghìn tỷ đồng, đạt 35,17% so với tổng kế hoạch. Tính riêng vốn kế hoạch năm 2023, ước thanh toán vốn tới hết 31/7/2023 là hơn 267,625 nghìn tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch (đạt 37,85% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 31,61% kế hoạch và đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Bộ Tài chính đánh giá, so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng đầu năm 2023 tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Có 12 bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30%), Long An (54,29%), Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (63,38%),… Có 40/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% (tỷ lệ trung bình của cả nước), trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.

Các số liệu cũng cho thấy, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm cũng được cải thiện đáng kể so với kỳ báo cáo trước. Đơn cử, đến nay, tổng nguồn vốn NSNN đã bố trí cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 hàng năm là hơn 65,425 nghìn tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2023 là hơn 16,889 nghìn tỷ đồng. Ước giải ngân đến hết 31/7/2023 là 55,014 nghìn tỷ đồng, đạt 84,15 tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 7,539 nghìn tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch năm 2023 được giao.

Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, tổng vốn kế hoạch trong kế hoạch hàng năm là 54,747 nghìn tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2022 là 9,521 nghìn tỷ đồng và năm 2023 là 45,226 nghìn tỷ đồng. Ước tới hết tháng 7, giải ngân dự án này là hơn 31,442 nghìn tỷ đồng, đạt 57,4% tổng kế hoạch được giao; trong đó số vốn thuộc kế hoạch năm 2023 là 22,3 nghìn tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch năm 2023 được giao.

Đối với 3 dự án xây dựng đường cao tốc gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đến nay, tổng nguồn vốn NSNN năm 2023 bố trí là 13,079 nghìn tỷ đồng. Ước đến hết ngày 31/7, 3 dự án cao tốc này giải ngân 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm 2023. Cần thông tin lại rằng, tất cả 10/10 dự án thành phần của 3 dự án cao tốc trên vừa đồng thời được khởi công vào nửa cuối tháng 6 vừa qua.

Qua phân tích dữ liệu trong báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế tới cuối tháng 7/2023 của Bộ Tài chính cho thấy, nhóm các địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn gồm: TP.HCM (70,5 nghìn tỷ đồng), TP. Hà Nội (46,9 nghìn tỷ đồng), TP. Hải Phòng (22,3 nghìn tỷ đồng), Bình Dương (21,8 nghìn tỷ đồng), Quảng Ninh (14,9 nghìn tỷ đồng), Bà Rịa- Vũng Tàu (14,3 nghìn tỷ đồng), Đồng Nai (12,9 nghìn tỷ đồng), Hưng Yên (12,0 nghìn tỷ đồng)… cơ bản giữ được đà tăng tốc giải ngân trong 2 tháng gần đây. Tỷ lệ giải ngân ước đến hết tháng 7 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục tăng. Đơn cử như: Bình Dương từ 31,33% (tháng 6) lên 52,52% (tháng 7); Đồng Nai từ 31,49% (tháng 6) lên 39,72% (tháng 7); Hà Nội từ 27,38% (tháng 6) lên 39,09% (tháng 7); Hải Phòng từ 52,04% (tháng 6) lên 73,33% (tháng 7); Quảng Ninh từ 31,35% (tháng 6) lên 36,63% (tháng 7); Hưng Yên từ 25,53% (tháng 6) lên 32,84% (tháng 7); Bà Rịa - Vũng Tàu từ 42,28% (tháng 6) lên 57,39% (tháng 7); TP.HCM từ 22,14% (tháng 6) lên 26,56% (tháng 7).

Ngoài các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân được 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chỉ ra trong các báo cáo, Bộ Tài Chính chỉ ra một số vướng mắc khác. Đó là, một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa phân bổ vốn và giải ngân kế hoạch năm 2023; một số bộ, cơ quan trung ương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không thực hiện việc phân bổ và giải ngân. Các dự án sử dụng vốn nước ngoài chậm tiến độ do quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị nguồn vốn ODA có nhiều thủ tục và cần nhiều thời gian; phát sinh vướng mắc trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu do một số thiết bị tiên tiến chưa có báo giá trên thị trường để phục vụ công tác thẩm định giá.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân. Khẩn trương bổ sung kế hoạch vốn năm 2023 sau khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; giao bổ sung vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục