Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị của các bộ, ngành và 4 địa phương để đủ điều kiện khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được tổ chức với hình thức kết nối trực tuyến 4 điểm cầu. Trong đó, điểm cầu chính tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ba điểm cầu còn lại tại TP. Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến trục ngang Đông - Tây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kết nối với hệ thống đường cao tốc quốc gia. Dự án được kỳ vọng là 1 trong 6 tuyến cao tốc giúp thay đổi ĐBSCL, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ trương ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng, tạo sức lan tỏa, dư địa phát triển đột phá cho vùng ĐBSCL trong những năm tới.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị Dự án. Để công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu xây dựng kế hoạch phương án thi công chi tiết, khoa học, huy động nhân lực thiết bị máy móc hiện đại thi công, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Đồng thời bảo vệ môi trường, an toàn lao động, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thất thoát.
UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện các dự án thành phần đảm bảo chất lượng, tiến độ. Chủ động hợp tác ưu tiên cung cấp nguồn vật liệu xây dựng cao tốc, khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, cung cấp kịp thời vật liệu cho các nhà thầu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ổn định sản xuất, tạo sinh kế tốt hơn cho người dân; phải bàn giao toàn bộ mặt bằng trước 31/12/2023. Để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các địa phương không chỉ phát triển logistics, mà phải phát triển không gian mới cho kinh tế - xã hội; cập nhật quy hoạch, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ dọc tuyến.
“Chúng ta cùng nhau chung sức đồng lòng, các bộ, ngành, các địa phương, nhân dân và các nhà thầu cùng quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hoàn thành cao tốc đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, không thất thoát, đội vốn; đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. Cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, vượt nắng, thắng mưa để hoàn thành tốt nhất tuyến cao tốc này theo đúng mục tiêu đề ra”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu và nhấn mạnh, Chính phủ luôn luôn dành sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hoàn thành Dự án, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ĐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Trước đó, vào tháng 4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 188,2 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, đi qua 4 tỉnh thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong giai đoạn 1, Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần (DATP). Trong đó, DATP 1 có chiều dài hơn 57 km thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng. DATP 2 dài hơn 37 km thuộc địa phận TP. Cần Thơ do UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng. DATP 3 dài gần 37 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng. DATP 4 dài gần 57 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như: cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện; được áp dụng các cơ chế khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Bộ GTVT đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định pháp luật và đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết thêm, đến nay, khối lượng công việc rất lớn, phức tạp đã hoàn thành, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và cả 4 DATP đã hoàn thành các thủ tục để khởi công.
Theo Thủ tướng Chính phủ, để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các địa phương không chỉ phát triển logistics, mà phải phát triển không gian mới cho kinh tế - xã hội. Ảnh Ngọc Tuấn |
Cũng tại lễ khởi công, lãnh đạo 4 địa phương và đại diện các nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công cam kết phối hợp chặt chẽ, quyết tâm triển khai Dự án đảm bảo chất lượng tốt, đúng tiến độ.
Theo kế hoạch, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027. Khi hoàn thành, Dự án sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL qua TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.