Bộ Tài chính: Vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 0%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng năm 2024, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 trong 8 tháng qua của cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch (741.609 tỷ đồng), đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (677.944,6 tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng qua, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%.

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm vẫn là những khó khăn, vướng mắc đến nay chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA; vướng mắc do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân...

Bộ Tài chính cũng vừa có Công văn số 9385/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng quản lý. Bộ Tài chính cho biết, cả 6 địa phương đều chưa có sự chuyển biến rõ rệt trong giải ngân. Theo đó, 8 tháng qua, ước tính tỷ lệ giải ngân của các địa phương này lần lượt đạt: Bình Thuận 30,24%; Gia Lai 40,35%; Kon Tum 32,73%; Lâm Đồng 35%; Đồng Nai 33,26% và Bình Phước 29,74%.

Trên cơ sở tình hình giải ngân của các địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy việc bố trí kế hoạch vốn của các địa phương cho dự án chưa đảm bảo theo đúng khả năng hấp thụ vốn của dự án. Nhiều dự án có khối lượng vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đến nay còn thấp, thậm chí có dự án chưa thực hiện giải ngân.

Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương đề xuất phương án xử lý, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo đúng quy định và việc đầu tư các dự án được hiệu quả, đúng tiến độ.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Tin cùng chuyên mục