Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ: Nhiều nhà đầu tư quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đề án Khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ (TP.HCM) đang được đề nghị thẩm định, trình phê duyệt. Đây được đánh giá là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế hàng hải, xây dựng kế hoạch phát triển và triển khai các giải pháp khai thác, sử dụng tối ưu tiềm năng, lợi thế về hàng hải. Theo khảo sát, FTZ Cái Mép Hạ có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.
Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ nằm trên hành lang logistics kết nối cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Thạc Hiếu
Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ nằm trên hành lang logistics kết nối cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Thạc Hiếu

Hội tụ đầy đủ các điều kiện hình thành khu thương mại tự do

TP.HCM xác định khu vực Cái Mép Hạ hội tụ đầy đủ các điều kiện cần để hình thành và phát triển FTZ gắn với cảng biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đây là khu vực còn lại duy nhất và lớn nhất của Việt Nam để phát triển hạ tầng cảng biển thế hệ mới đẳng cấp quốc tế gắn kết với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM và các tuyến cao tốc tại Đông Nam Bộ… Khu vực này cũng là hạt nhân trục động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải - Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất. Do vậy, Cái Mép Hạ có hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức và gắn kết cơ hữu với Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM trong tương lai gần.

Việc thành lập FTZ gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ được nhận định là cấp thiết để nắm bắt thời cơ chiến lược, tạo ra một công cụ mới nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo động lực tăng trưởng cho khu vực phía Nam.

Theo UBND TP.HCM, mục tiêu tổng quát là FTZ Cái Mép Hạ trở thành mô hình tiên phong, thí điểm và tích lũy kinh nghiệm với các thể chế vượt trội; môi trường đầu tư và thương mại tự do theo tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy đổi mới thể chế; là động lực tăng trưởng mới, tạo nền tảng phát triển địa phương trở thành trung tâm kinh tế biển khu vực; tạo không gian phát triển nhanh, bền vững, hội nhập cho Đông Nam Bộ và cả nước. FTZ Cái Mép Hạ sẽ lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững làm trọng tâm và động lực phát triển; là trung tâm logistics xanh và cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế đóng vai trò đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua gắn kết chặt chẽ giữa cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Lựa chọn mô hình phù hợp

Mô hình phức hợp khu thương mại tự do “cảng biển - logistics - công nghiệp - đô thị dịch vụ - cảng hàng không quốc tế” được cho là phù hợp để áp dụng cho FTZ Cái Mép Hạ. Hành lang logistics kết nối cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải với FTZ Cái Mép Hạ và Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo thuận lợi cho dòng lưu chuyển hàng hóa qua Việt Nam rồi phân phối đến các khu vực khác trên thế giới. Đồng thời, FTZ Cái Mép Hạ sẽ có sự gắn kết cơ hữu với Trung tâm Tài chính quốc tế (IFC) tại TP.HCM, thúc đẩy hoạt động của các thể chế tài chính tại IFC. Được biết, mô hình này tương tự mô hình của Dubai và là mô hình mới nhất trong các đối chuẩn quốc tế tương đồng, với nhiều phân khu bên trong, mỗi phân khu có thể có nhiều lĩnh vực, hoạt động, có các mục đích, cụm ngành, cơ chế quản trị và chính sách ưu đãi khác nhau. Mô hình này cho phép thử nghiệm nhanh các chính sách và định hướng chiến lược mới.

Về chức năng, FTZ Cái Mép Hạ là khu tích hợp đa chức năng. Theo đó, cấu trúc theo hướng hiện đại sẽ có 3 lớp chức năng tạo nên hệ sinh thái khu thương mại tự do hiện đại, gồm: cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, khu trung tâm logistics và công viên công nghiệp, công nghệ cao, khu chức năng đô thị thương mại dịch vụ. Các khu chức năng thuộc FTZ Cái Mép Hạ được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, ngoại trừ khu chức năng đô thị thương mại, dịch vụ; bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và hoạt động quản lý nhà nước. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các khu chức năng này với khu vực bên ngoài thuộc lãnh thổ Việt Nam là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Đề án được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) gửi xin ý kiến, FTZ Cái Mép Hạ có quy mô khoảng 3.764,22 ha, được chia làm 3 khu chức năng với 8 phân khu có vị trí liền kề. Đơn cử, khu đầu mối giao thông vận tải (cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt) với tổng diện tích 1.735,03 ha; khu kho bãi logistics và công nghiệp với tổng diện tích 1.178,52 ha; khu đô thị thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 850,67 ha.

UBND TP.HCM cho biết, để phát triển FTZ Cái Mép Hạ, TP.HCM sẽ đa dạng hóa phương thức huy động vốn đầu tư bao gồm: ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, FTZ Cái Mép Hạ được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn từ năm 2025 đến sau 2040. Mục tiêu đến sau năm 2040 đưa FTZ Cái Mép Hạ thành hạt nhân của trung tâm kinh tế biển vùng Đông Nam Bộ, trung tâm hàng hải thuộc nhóm đầu của khu vực Đông Nam Á.

Về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đề xuất 36 chính sách, phân thành 2 nhóm. Cụ thể, nhóm chính sách vận dụng quy định hiện hành (nhóm 1 gồm 17 chính sách) vận dụng các chính sách đã ban hành trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa quy định đối tượng áp dụng là FTZ, các chính sách đặc thù áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 và các nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù áp dụng cho các địa phương trên cả nước đã được Quốc hội ban hành. Nhóm chính sách đề xuất mới, vượt trội (nhóm 2 gồm 19 chính sách) chưa có trong quy định hiện hành, nhưng rất cần thiết để tạo khung pháp lý mang tính cạnh tranh với các khu FTZ thế hệ mới trong khu vực và trên thế giới.

Được biết, một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất trở thành nhà đầu tư chiến lược tại FTZ Cái Mép Hạ. Đơn cử, Tập đoàn Vingroup cam kết đồng hành cùng địa phương kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tập đoàn DP World (trụ sở tại Dubai, UAE) đã hỗ trợ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) với vai trò là đơn vị tham vấn xây dựng Đề án. DP World cũng bày tỏ nguyện vọng được trở thành nhà đầu tư chiến lược của FTZ Cái Mép Hạ…

Một số liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước đã gửi thư bày tỏ quan tâm đến Dự án Cảng Cái Mép Hạ và Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Đó là Liên danh Việt Nam - EU giữa Besix (Bỉ) - Boskalis (Hà Lan) - Hateco (Việt Nam); Liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty CP Vận tải và Thương mại quốc tế; Liên danh Gemadept - SSA Marine (Hoa Kỳ); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC); Liên danh Công ty TNHH Tài Tâm - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Phương Bắc; Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (Saigontel); Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu sản xuất Sulavan.

Tin cùng chuyên mục