Nhiều thuận lợi trong hợp tác công tư, phát triển KHCN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung 8 luật thuộc lĩnh vực tài chính vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi vượt trội cho dự án khoa học công nghệ (KHCN).
Nghị định số 180/2025/NĐ-CP có những quy định theo hướng ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng số. Ảnh: Lê Tiên
Nghị định số 180/2025/NĐ-CP có những quy định theo hướng ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng số. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp đó, ngày 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số. Nghị định tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, tạo thêm thuận lợi để tăng cường hợp tác công tư trong lĩnh vực KHCN, ĐMST.

Những quy định mới

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực KHCN ở Việt Nam được triển khai thực hiện thông qua hình thức liên doanh, liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn rất hạn chế. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan (như hình thức hợp tác mới, nhiều rủi ro...) thì pháp luật, cơ chế, chính sách hiện hành còn tồn tại những bất cập, hạn chế.

Từ thực tiễn tham gia đầu tư dự án KHCN của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ, một trong những vướng mắc lớn khi thực hiện hợp tác 3 bên là chưa có quy định rõ về mô hình, cơ chế. Một số doanh nghiệp khác thì cho biết, đầu tư trong KHCN, ĐMST rủi ro rất lớn, không phải dự án nào cũng phù hợp để triển khai theo phương thức PPP, nên cần có định hướng để lựa chọn hình thức hợp tác công tư phù hợp. Cùng với đó, do sự thay đổi rất nhanh chóng của công nghệ nên nếu áp dụng theo phương thức PPP cần có quy trình thực hiện đơn giản, rút ngắn thời gian và cơ chế, chính sách chia sẻ rủi ro, chấm dứt hợp đồng phù hợp…

Thông tin tại họp báo của Bộ Tài chính chiều 2/7/2025, ông Phạm Thy Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, theo Nghị định số 180/2025/NĐ-CP, hợp tác công tư không chỉ được khuyến khích thực hiện theo các hình thức truyền thống quy định tại Luật PPP mà còn được mở rộng áp dụng đối với tất cả các hình thức hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư phù hợp các mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, lãnh đạo công - quản trị tư. Nghị định quy định các hình thức hợp tác công tư gồm đầu tư theo Luật PPP (như hợp đồng BOT, BTO, BTL, O&M, BT…); các hình thức liên doanh liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; các hình thức hợp tác công tư khác như: hợp tác theo hình thức tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hợp tác 3 bên. Nghị định số 180/2025/NĐ-CP xác định cụ thể loại hình công nghệ, sản phẩm theo hướng ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng số, đồng thời có quy định mở để các bên lựa chọn các loại hình, sản phẩm khác phù hợp với định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số.

Liên quan đến vướng mắc về chưa rõ trách nhiệm khi hợp tác 3 bên dẫn đến lúng túng khi thực hiện, ông Hùng cho biết, Nghị định 180 đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên: Nhà nước - tổ chức KHCN - doanh nghiệp.

Đối với hợp tác công tư trong lĩnh vực KHCN theo quy định của Luật PPP, Luật số 90/2025/QH15 bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi vượt trội cho dự án KHCN nói riêng. Theo đó, quy định quy trình thủ tục rút gọn; được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn đặc biệt đối với doanh nghiệp KHCN có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ chiến lược; được hỗ trợ 70% vốn nhà nước để đầu tư xây dựng công trình KHCN; được Nhà nước chia sẻ 100% phần chênh lệch giảm giữa doanh thu thực tế và doanh thu trong phương án tài chính khi doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Theo ông Phạm Thy Hùng, Nghị định 180 quy định các chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư có tính đặc thù, vượt trội nhằm khuyến khích khu vực tư tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ như: hỗ trợ nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, chia sẻ rủi ro, miễn nộp khoản doanh thu tối thiểu trong hoạt động liên doanh, liên kết. Đồng thời, Nghị định quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện từng hình thức hợp tác theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục, đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý thực hiện các hoạt động này.

Ông Phạm Thy Hùng chia sẻ thêm, trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ ngành, tập đoàn công nghệ nghiên cứu chuẩn bị một số dự án, hoạt động hợp tác công tư để có thể triển khai sau khi Nghị định được ban hành. Đơn cử như Trung tâm Ươm tạo, phát triển bán dẫn tại Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC); Dự án Sử dụng tài sản công để phát triển hệ sinh thái ĐMST tại NIC Hòa Lạc thực hiện theo Luật PPP (do NIC thuộc Bộ Tài chính chủ trì thực hiện); xây dựng Trung tâm ĐMST Hà Nội theo hình thức hợp tác 3 bên (do Ban Quản lý dự án công nghệ cao Hòa Lạc, Tập đoàn Công nghệ CMC, Đại học Bách Khoa thực hiện)…

Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư, chia sẻ rủi ro đối với dự án PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư, chia sẻ rủi ro đối với dự án PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Nhã Chi

Nhà nước thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp

Chia sẻ về quy định mới, một số ý kiến đánh giá cao những chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư đối với dự án PPP trong KHCN, ĐMST tại Luật số 90/2025/QH15 và Nghị định 180, nổi bật là quy định về chia sẻ giảm doanh thu; quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong trường hợp sản phẩm KHCN và ĐMST do doanh nghiệp dự án PPP tạo ra đã thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh, nhưng doanh thu thực tế vẫn thấp hơn 50% doanh thu dự kiến trong phương án tài chính. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng KHCN và các chi phí vận hành hợp pháp liên quan đến hoạt động KHCN khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật PPP. Những quy định này cho thấy bước đột phá trong thay đổi tư duy chính sách, Nhà nước đồng hành thực sự với doanh nghiệp trong lĩnh vực có nhiều rủi ro nhưng là động lực quan trọng cho phát triển đất nước

Luật sư Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Monitor chia sẻ, dự án PPP trong lĩnh vực KHCN, ĐMST có những đặc điểm riêng, do đó việc có những cơ chế, chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư phù hợp cho lĩnh vực này là cần thiết, sẽ được nhà đầu tư hoan nghênh. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc triển khai chính sách, ví dụ chia sẻ sụt giảm doanh thu, quy trình thực hiện như thế nào để khả thi, đi vào thực tiễn, chia sẻ kịp thời với nhà đầu tư khi rủi ro xảy ra.

Tin cùng chuyên mục