![]() |
Nếu việc sáp nhập được thực hiện đồng bộ với đầu tư hạ tầng, đặc biệt là đường vành đai, cảng biển, sân bay và hạ tầng số, các khu công nghiệp sẽ không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính. Ảnh: Internet |
Việt Nam vào top quốc gia công nghiệp có chi phí cạnh tranh nhất
Theo Báo cáo Tọa độ động lực công nghiệp toàn cầu 2025 (ghi nhận ngành logistics và công nghiệp của hơn 120 thị trường trên toàn thế giới) của Cushman & Wakefield, Việt Nam là một trong số ít quốc gia hội tụ cả 3 yếu tố cốt lõi nêu trên.
Thứ nhất, dù giá thuê bất động sản công nghiệp năm 2025 đã tăng 70% so với năm 2019, mức giá thực tế vẫn rất hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực. Cụ thể, giá thuê trung bình tại Hà Nội khoảng 6 USD/ft²/năm (tương đương 5,3 USD/m²/tháng), và tại TP.HCM là 5 USD/ft²/năm (tương đương 4,9 USD/m²/tháng).
Thứ hai, hoạt động logistics và sản xuất vẫn phụ thuộc đáng kể vào yếu tố con người. Nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công hợp lý là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đặt cơ sở, cũng như chiến lược vận hành, từ việc xác định công đoạn nào cần thực hiện tại chỗ đến mức độ đầu tư vào tự động hóa. Tại Việt Nam, chi phí lao động chưa đến 25% mức lương trung vị toàn cầu, thuộc nhóm các thị trường có chi phí nhân công thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ ba, nhu cầu sử dụng điện trong các kho vận hiện đại ngày càng tăng, bao gồm hệ thống tự động hóa, quản lý thông minh, thiết bị xử lý vật liệu tiên tiến và xu hướng sử dụng xe điện. Điều này khiến chi phí vận hành trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong bài toán đầu tư. Việt Nam tiếp tục ghi điểm khi chi phí điện cho sản xuất công nghiệp thuộc nhóm thấp nhất toàn cầu, chỉ cao hơn Indonesia và Nigeria.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, sự kết hợp của 3 yếu tố chi phí cốt lõi - lao động, điện năng và giá thuê bất động sản - đã giúp Việt Nam trở thành một tọa độ đầu tư hấp dẫn trên bản đồ công nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và logistics. “Bên cạnh lợi thế chi phí, Việt Nam còn hưởng lợi từ xu hướng “China+1” và chiến lược “nearshoring” - đưa sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ hơn, đồng thời giảm phụ thuộc vào một khu vực địa lý duy nhất”, bà Trang Bùi nhân xét.
Vẫn theo bà Trang Bùi, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm quỹ đất, hợp tác với nhà phát triển nội địa hoặc thuê lại tài sản hiện hữu để nhanh chóng triển khai hoạt động. Để tối ưu hiệu quả sản xuất, tìm nguồn cung và phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bất động sản phù hợp, gắn liền với mục tiêu vận hành dài hạn.
Sáp nhập tỉnh thành - cú hích lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp
Trong một diễn biến khác có liên quan đến sáp nhập địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, Savills Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh này đang được kỳ vọng tạo cú hích lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình chiến lược. Nếu được triển khai bài bản, quá trình này có thể tạo đòn bẩy cho việc hình thành các vùng công nghiệp - đô thị quy mô lớn, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Theo ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn công nghiệp Savills Hà Nội, quá trình sáp nhập nếu được thực hiện bài bản sẽ mở đường cho sự hình thành của các hệ sinh thái đô thị - công nghiệp tích hợp, có sức hấp dẫn cao hơn đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng chọn lọc điểm đến.
Việc mở rộng địa giới đơn vị hành chính giúp các tỉnh có thể quy hoạch thêm nhiều khu công nghiệp mới với diện tích lớn hơn, cung cấp thêm lựa chọn cho doanh nghiệp. Từ việc gia tăng quỹ đất, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ dễ dàng tìm được vị trí phù hợp để mở nhà máy, tránh tình trạng khan hiếm đất công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu cao.
Bên cạnh đó, sau sáp nhập, các tỉnh có diện tích lớn hơn có điều kiện để phân vùng rõ ràng hơn, từ đó phát triển các khu công nghiệp hoặc tổ hợp công nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp hỗ trợ hoặc khu công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng cho ngành sản xuất lớn hoặc một ngành sản xuất cụ thể nào đó như ô tô, bán dẫn.
“Các địa phương vốn đã là điểm sáng về thu hút đầu tư, khi được sáp nhập và phối hợp chặt chẽ hơn về quy hoạch, sẽ bổ trợ lẫn nhau về cơ sở hạ tầng, lao động và định hướng phát triển. Quy mô lớn giúp địa phương đạt chuẩn cao hơn về hạ tầng và quản lý, từ đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Thomas phân tích.
Ông Rooney cho rằng, đối với bất động sản công nghiệp, nơi sự ổn định và rõ ràng trong quy hoạch là yếu tố sống còn, việc thống nhất thủ tục và chính sách sẽ mở đường cho các khu công nghiệp quy mô lớn, tích hợp hạ tầng logistics, đô thị vệ tinh và giao thông kết nối liên vùng.
Một trong những yếu tố trọng yếu là tác động tới lực lượng lao động - nền tảng cho sức cạnh tranh của bất động sản công nghiệp. Việc thay đổi địa giới có thể kéo ảnh hưởng tới kế hoạch cư trú, đăng ký hành chính và kết nối giao thông của người lao động. Đây có thể là rào cản nếu thiếu chuẩn bị, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tái thiết mạng lưới cung ứng lao động theo hướng vùng, liên tỉnh.
Nếu việc sáp nhập được thực hiện đồng bộ với đầu tư hạ tầng, đặc biệt là đường vành đai, cảng biển, sân bay và hạ tầng số, các khu công nghiệp sẽ không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính. Doanh nghiệp có thể tiếp cận lực lượng lao động từ nhiều địa phương hơn, với chi phí vận hành tối ưu hơn. Sự phát triển của hạ tầng liên vùng cũng thúc đẩy xu hướng dịch chuyển khỏi các thị trường công nghiệp truyền thống, nơi nguồn cung hạn chế và chi phí đầu tư ngày càng gia tăng. Các địa phương mới có quỹ đất rộng, giá rẻ và hạ tầng được cải thiện sẽ có cơ hội vươn lên thành trung tâm công nghiệp mới.
Giai đoạn chuyển tiếp, được dự báo kéo dài ít nhất 2 - 3 năm, sẽ là khoảng thời gian quan trọng. Theo ông Rooney, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, thiết lập quan hệ với chính quyền địa phương mới và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất.
Về phía cơ quan quản lý, điều tiên quyết là truyền thông rõ ràng và minh bạch về lộ trình chuyển đổi. Việc chủ động đối thoại với doanh nghiệp, cung cấp các cơ chế hỗ trợ, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là yếu tố quyết định để giảm xáo trộn và giữ vững đà tăng trưởng dòng vốn đầu tư. Không nên để sự sắp xếp hành chính trở thành rào cản, mà phải biến nó thành bàn đạp để hướng tới một môi trường đầu tư nhất quán, công bằng và hiệu quả hơn.
“Sáp nhập tỉnh là một một cải cách hành chính mang tính bước ngoặt, tác động trực tiếp đến không gian phát triển tại Việt Nam. Nếu được thực hiện với tầm nhìn dài hạn và quyết tâm đồng bộ, đây có thể trở thành cú hích mới, giúp bất động sản công nghiệp Việt Nam bứt phá, đóng vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thomas kết luận.