Nhiều địa phương “bứt tốc” tăng trưởng công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam... đang có những tín hiệu tích cực về tăng trưởng công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí, ô tô, lọc hoá dầu...
Công nghiệp miền Trung đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp lớn và chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ảnh: Song Lê
Công nghiệp miền Trung đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp lớn và chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ảnh: Song Lê

Điểm sáng tăng trưởng công nghiệp 8 tháng đầu năm 2024, Thaco Trailers thuộc Khu liên hợp Thaco Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đánh dấu sự tăng trưởng trở lại với lô hàng sơmi rơmoóc trị giá 1,1 triệu USD xuất khẩu đến cảng Vancouver, Canada. Đây là các sản phẩm sơmi rơmoóc được thiết kế và sản xuất chuyên biệt cho thị trường Canada, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn giao thông tại Bắc Mỹ. Đồng thời, Công ty tiếp tục sản xuất, cung ứng sản phẩm phù hợp đến Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Myanmar…

Từ năm 2020 đến nay, Thaco Trailers đã xuất khẩu sang các nước gần 13.000 sơmi rơmoóc. Bên cạnh xuất khẩu sơmi rơmooc, tại Thaco Chu Lai, Công ty đặt mục tiêu bán 95.400 xe ô tô các loại trong năm 2024, doanh thu hợp nhất dự kiến 68.400 tỷ đồng, qua đó đưa doanh thu hợp nhất của Thaco Industries năm 2024 đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, với sự đóng góp của Thaco, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2024 của Tỉnh ước tính tăng 8% so với tháng trước và tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp đạt gần 47.700 chiếc, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Một lĩnh vực mũi nhọn khác cũng là lợi thế của vùng Nam Trung Bộ là lọc hoá dầu. Theo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi), đến thời điểm hiện tại, Công ty đạt và vượt kế hoạch đề ra cho 8 tháng đầu năm 2024 với gần 3 triệu tấn sản phẩm (tiêu thụ 2,75 triệu tấn), đạt 119% so với kế hoạch; tổng doanh thu trên 55.300 tỷ đồng, đạt 139% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước hơn 5.700 tỷ đồng, đạt 131% so với kế hoạch và lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh lọc dầu, luyện cán thép tại Quảng Ngãi cũng ghi nhận tăng trưởng tại Khu liên hợp luyện cán thép Hòa Phát Dung Quất. Tại nhà máy này, sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) cán mốc 10 triệu tấn với các chủng loại sản đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và trên thế giới.

Theo Sở Công Thương Quảng Ngãi, sản xuất công nghiệp năm 2024 tích cực nên đa số các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá. Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại tiếp tục góp phần lớn vào chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 2,3% so với năm 2023.

Bình Định cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực từ sản xuất công nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh có 169 dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư với tổng vốn 77.767 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2024, Bình Định có 25 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 4.133 tỷ đồng, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 của Bình Định tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 8,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được định hướng là trụ cột phát triển, chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 10,5%, tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn.

Đối với Khánh Hòa, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm 2024 tăng cao nhất từ trước đến nay, ước tăng 46,36%. Một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: điện sản xuất, chế biến thủy sản…

Tái cơ cấu để phát triển nhanh và bền vững

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 với 6 lĩnh vực và nhóm lĩnh vực. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Kế hoạch đặt trọng tâm số 1 là phát triển nhóm dự án công nghiệp chủ lực với Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải; phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo… nhằm nâng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP lên 28,7%.

Đối với Quảng Ngãi, năm 2025 có 2 phương án tăng trưởng công nghiệp. Trong đó, phương án 2 được lựa chọn với chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt 112% (so với năm 2024). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 111,5% khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định và Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đưa vào hoạt động dây chuyền 1 của Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất khoảng 2,3 triệu tấn thép HRC…

Tỉnh Bình Định có 10 nội dung kiến nghị đến Bộ Công Thương để thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trên địa bàn, liên quan đến công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, hóa chất, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và hydrogen/amoniac xanh….

Với Khánh Hoà, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho rằng, để đạt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp đạt hơn 25% trong cơ cấu GRDP; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12,6%/năm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh là tập trung hỗ trợ giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại Khu công nghiệp Ninh Thủy và Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, các cụm công nghiệp Trảng É 2, 3 và Cụm công nghiệp Diên Thọ. Đồng thời, thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, dự án công nghiệp trọng điểm về: năng lượng, đóng tàu, cảng biển; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ, chế biến dầu khí, sản xuất hydro tại Khu kinh tế Vân Phong.

Tin cùng chuyên mục