Thiết kế cơ chế đặc thù cho Dự án Vành đai 4 TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn Dự án Vành đai 4 TP.HCM. Đây được xem là bước tiến mới giúp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần trên tuyến Vành đai 4 TP.HCM.
Dự án Vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Dự án Vành đai 4 TP.HCM có chiều dài tuyến 207 km, đi qua 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo khái toán là 128.063 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 76.772 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 51.291 tỷ đồng. Dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có tính kết nối giao thông liên vùng giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic và đã được bổ sung vào Danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trong tháng 6/2024. Ngày 7/8/2024, theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện Dự án.

UBND TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT, thời gian qua, các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 4 TP.HCM. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, các địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư Dự án (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách trung ương); cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của Dự án. Bên cạnh đó, Dự án đòi hỏi tỷ lệ vốn ngân sách tham gia hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư Dự án và cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành toàn Dự án, TP.HCM và các địa phương có Dự án đi qua đã thống nhất với Bộ GTVT đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP.HCM. Thứ nhất là giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương (cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương). Thứ hai, ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia Dự án; riêng tỉnh Long An, ngân sách trung ương hỗ trợ 75%.

Dự án Vành đai 4 TP.HCM có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo khái toán là 128.063 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 76.772 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 51.291 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Dự án Vành đai 4 TP.HCM có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo khái toán là 128.063 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 76.772 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 51.291 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Thứ ba, cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư. Thứ tư, cho phép UBND các tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt. Thứ năm, cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 TP.HCM của từng địa phương được chuyển tiếp Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương. Đối với đoạn Vành đai 4 TP.HCM thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội (đoạn do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền), Quốc hội cho phép Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Bên cạnh đó, TP.HCM đề xuất trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (đoạn trên địa bàn tỉnh Long An). Cho phép người đứng đầu Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. TP.HCM cũng đề xuất Dự án được áp dụng cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, qua nhiều địa phương nên cần có giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần. Do đó, cần báo cáo Thủ tướng về chủ trương xây dựng Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án thành phần thuộc đường Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội thông qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Văn phòng Chính phủ có văn bản phân giao TP.HCM là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối triển khai thực hiện các dự án thành phần của Dự án đường Vành đai 4, TP.HCM và giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn tuyến Vành đai 4 để báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội ban hành chơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện sẽ là “cú hích”, là bước tiến mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, đẩy nhanh tiến độ triển khai toàn Dự án.

Trước đó, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tổ chức tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo dứt khoát làm bằng được Dự án đường vành đai 4 ở Đông Nam Bộ. Để có vốn làm Dự án đường vành đai 4, Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu chính phủ, đồng thời thống nhất quan điểm các dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… là của Nhà nước nhưng cũng là của người dân, được làm bằng tiền ngân sách, của xã hội nếu hợp tác công tư hoặc tiền đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp theo hình thức BOT.

Tin cùng chuyên mục