Giải ngân vốn đầu tư công: Không để tái diễn tình trạng trì trệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp trọng yếu kích cầu ngắn hạn, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021.
Tính đến hết 6 tháng năm 2020, có 9 bộ, ngành và 37 địa
phương có số ước giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 30% kế hoạch năm. Ảnh: Lê
Tiên
Tính đến hết 6 tháng năm 2020, có 9 bộ, ngành và 37 địa phương có số ước giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 30% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp trọng yếu kích cầu ngắn hạn, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các bộ, địa phương kiến nghị giải pháp, chế tài cụ thể, đủ mạnh để bảo đảm giải ngân hết số vốn này.

Chế tài mạnh, kiên quyết điều chuyển vốn

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết 6 tháng năm 2020, có 9 bộ, ngành và 37 địa phương có số ước giải ngân đạt trên 30% kế hoạch năm. Trong đó, 4 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%. Tuy nhiên, có đến 34 bộ, ngành trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, có một số ngành trung ương chưa giải ngân đồng vốn nào.

Dẫn một bài báo nói về việc giải ngân vốn chậm do giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhiều lãnh đạo địa phương đề xuất dự án thì rất nhanh, rất quyết liệt, nhưng khi tổ chức thực hiện, vướng giải phóng mặt bằng lại không xắn tay vào cuộc. “Vì sao có địa phương giải ngân nhanh, địa phương lại chậm, phải nhìn lại trách nhiệm cá nhân, có chế tài mạnh”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kịp thời giải quyết vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân, trong đó vấn đề mặt bằng các lãnh đạo địa phương phải tập trung, lăn xả. Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ. Thủ tướng khẳng định kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sang các bộ, ngành, địa phương có điều kiện giải ngân tốt. Bộ Giao thông vận tải làm rõ hơn kế hoạch triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ sẽ coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, địa phương, không được để tình trạng trì trệ tái diễn,.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các các bộ, ngành, địa phương cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Bộ trưởng trình Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát tiến độ giải ngân của các dự án từ tháng 7 năm 2020; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.

Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện giải ngân cho các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo cơ chế tài chính của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, bao gồm các dự án thuộc Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2, Chương trình Hỗ trợ phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo Việt Nam…

Nhiều địa phương quyết tâm cao

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 2/7/2020, lãnh đạo nhiều địa phương thể hiện quyết tâm rất cao giải ngân cao nhất nguồn vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Thành phố tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 10/2020 tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch. Lãnh đạo TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung thực hiện các dự án khởi công mới, dự án hoàn thành để chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, bàn giao mặt bằng chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề xuất đẩy nhanh những công trình trọng điểm mang tính chất liên vùng. Trong đó, mong Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương mở rộng Sân bay Đà Nẵng, cụ thể, mở rộng Nhà ga T1 về phía Nam, đầu tư xây dựng ga hàng hóa, sớm đầu tư xây dựng Nhà ga T3.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh cũng cho biết, Thành phố quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA, có nhiều biện pháp quyết liệt cụ thể đảm bảo mục tiêu giải ngân đến cuối năm tốt nhất. Ông Lê Quang Mạnh đề xuất Bộ Tài chính sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương sớm xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025...

Tin cùng chuyên mục