Giải ngân vốn đầu tư công: Không làm phải có biện pháp xử lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại sao cùng cơ chế chính sách mà có những địa phương giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch? Đó là do “bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”.
Kết quả giải ngân của dự án được phân công theo dõi là căn cứ
chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả giải ngân của dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra hôm qua, 16/7/2020.

Nguyên nhân chủ quan là chính

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Kết quả này cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng còn thấp so với yêu cầu.

Việc chậm giải ngân, theo Bộ KH&ĐT, sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết, huy động các nguồn vốn xã hội khác để đầu tư kết cấu hạ tầng và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy tỷ lệ giải ngân rất chênh lệch giữa các bộ, ngành, địa phương. 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%. Tuy nhiên, còn tới 30 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Thực tế này cho thấy vấn đề tổ chức thực hiện đóng vai trò quan trọng trong giải ngân đầu tư công, và theo Thủ tướng Chính phủ, chậm giải ngân do nguyên nhân chủ quan là chính. “Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại một đống tiền ngay trên địa bàn của anh, anh không chịu giải quyết. Anh cứ đổ nguyên nhân khách quan này khách quan khác”, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra.

Thủ tướng nhắc đến chuyến công tác kiểm tra thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại Ninh Bình vào cuối tuần qua. Địa phương này tổ chức họp HĐND mỗi tháng một lần để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác. Bí thư, Phó Bí thư Thường trực xuống hỗ trợ chủ tịch các huyện để trực tiếp vận động hệ thống chính trị trong giải phóng mặt bằng.

Sẽ có chế tài đối với cán bộ trì trệ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm đạt mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là nội dung lớn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt tại các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và Nghị quyết chuyên biệt. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ, người đứng đầu Bộ KH&ĐT đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đó, cần hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để kịp giải ngân trước ngày 31/7/2020. Ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. “Cần ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, cần xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền… Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra là phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp...

Nhấn mạnh “anh không làm phải có biện pháp với anh”, không để tình trạng trì trệ giải ngân kéo dài mãi, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ sẽ đưa ra chế tài cần thiết. Ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn đầu tư công từ địa phương này sang địa phương khác, từ ngành này sang ngành khác, từ công trình này sang công trình khác, thì có chế tài khác về thi đua khen thưởng, đánh giá cán bộ...

Tin cùng chuyên mục