Giảm lãi suất… hụt hơi

Mong đợi của các DN về một đợt giảm lãi suất rầm rộ sau động thái tuyên bố giảm lãi suất cho vay của một số nhà băng lớn, hưởng ứng tinh thần gỡ khó cho DN trong cuộc gặp Thủ tướng với DN hồi cuối tháng 4 đã không trở thành hiện thực.
Giảm lãi suất… hụt hơi

Phân tích kỹ thực trạng trên thị trường hiện nay, nhiều chuyên gia cảnh báo, giảm lãi suất dễ rơi vào tình trạng hình thức nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước.

Đi đầu trong đợt hạ lãi suất hồi đầu tháng 5 là các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Đơn cử,Vietcombank công bố hạ trần lãi suất vay xuống chỉ còn 10%/năm; tương tự VietinBank áp dụng lãi suất 10%/năm với khách hàng tốt; BIDV giảm 0,5%/năm lãi suất vay với khách hàng tốt và giữ mức 10%/năm với lãi suất trung dài hạn; Agribank áp dụng chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ và hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm…

Song các ngân hàng tư thương lại không mấy mặn mà với động thái giảm lãi suất cho DN. Các chương trình tung ra gần đây chủ yếu nhắm vào tín dụng tiêu dùng, cho vay bất động sản vốn đã thực hiện bấy lâu nay.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ cho các mục đích như: mua xe ô tô; mua nhà, đất ở; mua nhà dự án; xây mới/cải tạo nhà ở; tiêu dùng; khám chữa bệnh; du học..... với mức lãi suất ưu đãi cố định từ 4,98%/năm trong 3 tháng đầu, 6,98%/năm trong 6 tháng đầu và 7,98%/năm trong 12 tháng đầu. Sau thời hạn đó, lãi suất cho vay áp dụng sẽ là lãi suất tiền gửi thông thường lĩnh lãi cuối kỳ kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ. Maritime Bank thực hiện chương trình cho vay mua ô tô, vay tiêu dùng (thế chấp) và vay kinh doanh với mức lãi suất 5,99%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu, dành cho các khoản vay từ 18 tháng và có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên…

Nếu có dư địa giảm lãi suất, các ngân hàng sẽ đồng loạt vào cuộc mạnh mẽ, nhưng thực tế không lạc quan như vậy. Theo phân tích của lãnh đạo một công ty bảo hiểm lớn, nhiều thông số trên thị trường cho thấy, mức lãi suất hiện tại khó có thể đi xuống nếu chỉ vận hành theo các quy luật thông thường của thị trường. Trước hết là tình hình trong nước, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã tăng trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, nên hiện nay, rất khó để họ hạ lãi suất.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, rất nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động khá cao thời gian vừa qua. Đơn cử, PVcomBank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,3%/năm; VPBank áp dụng lãi suất 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng lại đồng thời tung ra chương trình huy động chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất tới 7,6%/năm (chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng). Thậm chí một số ngân hàng như Eximbank còn huy động với mức lãi suất cao nhất tới 8%/năm.

Thông thường, ngân hàng sẽ phải cộng thêm khoảng 4-5% lãi suất để cho vay ra. Như vậy, với lãi suất huy động trung bình 7%/năm, lãi suất cho vay ít nhất phải ở mức 11%/năm, chưa kể rất nhiều chi phí khác. Lãi suất các hợp đồng phát hành trái phiếu của ngân hàng Vietinbank, MB chào đến DN hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên vẫn ở mức 11-12%/năm.

“Có ngân hàng nào chấp nhận lỗ để cho vay và gánh chịu nhiều rủi ro?”, vị tổng giám đốc trên đặt câu hỏi.

Còn trên thị trường quốc tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 6 này. Liệu Việt Nam có đi ngược được với các thị trường tài chính trên thế giới? Câu hỏi này không khó để trả lời.

Bên cạnh đó, lạm phát năm nay được dự đoán ở mức 5%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,63% của năm ngoái, bất động sản đang tăng nóng, các ngân hàng khó để hạ lãi suất huy động đầu vào, vì e ngại mất khách trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Lãi suất huy động không hạ, sẽ không có cơ sở để ngân hàng hạ lãi suất cho vay một cách thực chất và bền vững.

Giải pháp nào để có thể hạ lãi suất đầu ra, gỡ khó cho DN theo quy luật vận động của thị trường thay vì tuân theo mệnh lệnh hành chính và được thực hiện một cách hình thức? Giới chuyên gia cho rằng, nhất thiết phải bắt đầu từ chính sách vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; thực hiện nghiêm việc áp trần lãi suất huy động, giảm tỷ trọng mua trái phiếu hoặc tăng cung tiền ra lưu thông... Đặc biệt quan trọng là hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thay vì chạy vào các lĩnh vực phi sản xuất như hiện nay.

Thực tế thị trường cho thấy, thời gian qua dù tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng tăng mạnh, nhưng “cầu” tín dụng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh rất yếu, các ngành xuất khẩu thủy sản, dệt may… tăng trưởng thấp trong quý I vừa qua. Nếu tiền không tạo ra sản phẩm mà chỉ chạy lòng vòng, hệ lụy bong bóng sẽ tái diễn và nợ xấu sẽ trở lại.

Tin cùng chuyên mục