Nhận diện lực tăng trưởng tín dụng năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó đoán định, kinh tế trong nước còn những khó khăn, thách thức, quyết tâm đưa kinh tế nền tăng trưởng nhanh bằng các giải pháp quyết liệt của Chính phủ được đánh giá là động lực mạnh mẽ nhất đối với tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2025 là khoảng 15%. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2025 là khoảng 15%. Ảnh: Lê Tiên

Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và năm 2025 cũng tương tự, phấn đấu khoảng 15%. Tuy nhiên, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường tiền tệ và nền kinh tế, trong trường hợp áp lực lạm phát hiện hữu thì sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ, đồng thời phối hợp tích cực với các bộ ngành để điều hành các chính sách vĩ mô liên quan.

Cụ thể, NHNN sẽ thúc đẩy tín dụng bằng các công cụ điều tiết, trong trường hợp lạm phát bảo đảm kiểm soát được theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, NHNN sẵn sàng triển khai các giải pháp để hỗ trợ qua thị trường mở hoặc đưa ra gói hỗ trợ như đã thực hiện thời gian qua.

Trong diễn biến mới nhất, NHNN có Văn bản số 9364/NHNN-TD ngày 14/11/2024 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Cụ thể, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, rà soát tình hình thu phí đang áp dụng tại TCTD để xem xét, miễn giảm các loại phí không cần thiết, công khai mức phí cung ứng trong hoạt động kinh doanh của TCTD; đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế (đặc biệt là nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2025); hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh quyết tâm và sự nỗ lực của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, giới chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến đà tăng trưởng tín dụng trong năm 2025. Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 mới đây, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế thuộc Ban Kinh tế Trung ương nhận định, năm 2025 là năm quyết tâm trong điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách hướng tới các mục tiêu kinh tế đã đặt ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị tính: %
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị tính: %

“Thông điệp điều hành chính sách cho thấy rõ định hướng chung là chấp nhận một phần rủi ro để đạt các mục tiêu tăng trưởng nhanh. Chẳng hạn, mục tiêu lạm phát năm 2025 được đặt ra là “khoảng 4,5%” thay cho mức “4 - 4,5%” của năm 2024, kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 3,7% hoặc cao hơn trong giai đoạn tới thay cho mức khoảng 3% của những năm gần đây. Từ đó, công tác điều hành thể hiện rõ sự quyết liệt để xóa bỏ rào cản trong sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, khơi thông nguồn lực vốn”, ông Tú Anh nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5% trong năm 2025, đòi hỏi phải thúc đẩy các nguồn lực vốn mạnh mẽ, trong đó có vốn tín dụng. Theo ông Huân, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% có thể điều chỉnh linh hoạt theo tình hình hấp thụ vốn thực tế của nền kinh tế và doanh nghiệp là hợp lý, bởi tăng trưởng tín dụng cần đi kèm với kiểm soát rủi ro.

Một số chuyên gia cho rằng, nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 có điểm thuận lợi là Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh đang và sẽ được cụ thể hóa thông qua cải cách thể chế mạnh mẽ với việc sửa đổi một số luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính. Những cải cách này sẽ tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Dù chính sách luôn có khoảng cách với thực tế, song các bước tháo gỡ này sẽ tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đây cũng là yếu tố có tính dẫn dắt cho sức cầu tín dụng của các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, một rào cản với tăng trưởng tín dụng là sức mua trong nước chưa phục hồi tích cực. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 (nếu loại trừ yếu tố giá) tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Mức tăng này cũng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019.

“Trong bối cảnh diễn biến về nhu cầu tín dụng năm 2025 chưa rõ ràng, TS. Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị, bên cạnh nỗ lực đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế, cần theo dõi và đánh giá sát nhu cầu thực để có giải pháp cung ứng tín dụng phù hợp và hiệu quả, chú trọng chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thường xuyên kiểm soát dòng vốn vào những lĩnh vực có tính đầu cơ và tiềm ẩn rủi ro cao”.

Ngày 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo Nghị quyết, 15 chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội quyết nghị, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 7 - 7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. CPI bình quân tăng khoảng 4,5%...

Tin cùng chuyên mục