Ảnh minh họa. |
Bước tiến mới khi hồ sơ được số hóa dưới dạng webform
Ngày 15/8/2016, Thông tư số 07/2016/TT-BKHĐT ngày 26/6/2016 quy định chi tiết việc lập hồ sơ yêu cầu (HSYC), HSMT mua sắm hàng hoá (Thông tư số 07) chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các mẫu HSMT đã được Bộ KH&ĐT ban hành tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hoá và Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 quy định chi tiết lập HSYC đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh khi thực hiện đấu thầu điện tử sẽ được số hóa dưới dạng webform, tuân thủ theo Thông tư số 07.
Việc HSYC, HSMT mua sắm hàng hoá được số hóa dưới dạng webform sẽ giảm tối đa thủ tục hành chính, văn bản giấy; tự động hóa các thao tác đăng tải thông tin đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu…, giúp bên mời thầu đăng tải thông tin đấu thầu thuận tiện hơn, nhà thầu tham dự thầu dễ dàng hơn, loại bỏ lỗi số học và sai lệch trong quá trình đấu thầu; tự động kiểm tra sự phù hợp của HSDT ngay khi nộp; số hóa tất cả các biểu mẫu trong đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Ngay trong ngày đầu tiên Thông tư số 07 có hiệu lực, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu (bên mời thầu) là đơn vị đầu tiên đăng tải HSMT với 2 gói thầu: “Cung cấp 01 bộ thiết bị thí nghiệm phóng điện cục bộ và 01 bộ thử nghiệm mẫu dầu cách điện máy biến áp xách tay” và “Cung cấp 38 bộ máy vi tính phục vụ triển khai chương trình MMIS” dưới dạng số hóa (webform). Theo thông tin từ Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị này trong năm 2016 đã tổ chức thành công việc lựa chọn nhà thầu cho 25 gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp theo hình thức đấu thầu qua mạng, trong đó có nhiều gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm khá tốt.
Đánh giá về quá trình thực hiện webform HSYC, HSMT mua sắm hàng hoá, một cán bộ tham gia công tác đấu thầu của Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các biểu mẫu webform đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bên mời thầu và nhà thầu trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. Thậm chí, vị cán bộ này còn rất háo hức mong chờ việc HSMT của gói thầu xây lắp sẽ được webform (dự kiến có Thông tư hướng dẫn trong năm 2017) để việc lựa chọn nhà thầu một số gói thầu xây lắp đơn giản được thuận tiện cho bên mời thầu.
Đề xuất tiếp tục cải thiện
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng có áp dụng các mẫu hồ sơ được webform đã phát sinh một số lỗi kỹ thuật khi thực hiện. Theo phản ánh của cán bộ Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, khi tải các hồ sơ dự thầu (HSDT) của 1 gói thầu mua sắm máy biến áp có sự tham dự của 5 nhà thầu, bên mời thầu đã gặp trường hợp Hệ thống không tự tải hết các file hồ sơ được các nhà thầu upload lên Hệ thống. Cụ thể, khi bên mời thầu tiến hành chọn tải tất cả các HSDT của 5 nhà thầu thì quá trình tải về đã bị sót 1 file bản chào kỹ thuật của 1 nhà thầu.
Việc không tải hết được hồ sơ của nhà thầu đã dẫn đến trường hợp Tổ chuyên gia chấm thầu không đánh giá được chính xác HSDT của nhà thầu này. “Trong quá trình thực hiện, bên mời thầu cũng cẩn thận hỏi lại thông tin của nhà thầu về việc nhà thầu có giá chào hàng khá tốt nhưng HSDT lại thiếu bản chào kỹ thuật. Khi được hỏi, nhà thầu cũng đã trình ra được việc nhà thầu có gửi dữ liệu này trên Hệ thống và bên mời thầu cũng tiến hành tra soát lại Hệ thống thì có thấy dữ liệu này. Suýt nữa bên mời thầu đã trao nhầm cho nhà thầu xếp hạng đánh giá thứ 2” – cán bộ EVN Hà Nội chia sẻ.
Liên quan đến trách nhiệm của các bên trong việc xác định tính pháp lý của các nội dung trong HSMT, HSYC, HSDT được bên mời thầu, nhà thầu đăng tải trên Hệ thống, chuyên gia đấu thầu cho biết, theo quy định, bên mời thầu chịu trách nhiệm về tính chính xác giữa nội dung HSMT, HSYC đăng tải trên Hệ thống và nội dung HSMT, HSYC được chủ đầu tư phê duyệt. Khi đó, HSDT, HSĐX được coi là có giá trị pháp lý khi được đăng tải thành công trên Hệ thống thông qua chứng thư số của nhà thầu.
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, Hệ thống đấu thầu qua mạng của họ được liên kết, đồng bộ với các hệ thống trực tuyến khác trong hệ thống chính phủ điện tử, nhờ đó bên mời thầu có thể kiểm tra, đối chiếu những thông tin được nhà thầu kê khai trong HSDT qua các hệ thống trực tuyến liên kết, chứ không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm bản scan này trong HSDT.
Ở thời điểm hiện tại, Hệ thống của Việt Nam chưa được đồng bộ như vậy. Nhưng với trách nhiệm của bên mời thầu, một cán bộ cho biết, bên mời thầu cũng cần kiểm tra thêm độ xác thực của một số thông tin được nhà thầu đăng tải (bằng bản scan) trên Hệ thống như: bảo lãnh dự thầu, đăng ký kinh doanh… Có lẽ cũng vì nguyên nhân này mà cán bộ nêu trên cho biết, đơn vị mình mới chỉ dừng ở mức độ lựa chọn các gói thầu đơn giản, tính pháp lý không cao để tiến hành đấu thầu qua mạng.