Gỡ nút thắt cho các gói thầu thuê địa điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian khá dài, các gói thầu thuê địa điểm, đặc biệt là thuê địa điểm làm cơ sở đào tạo của nhiều trường học gặp nhiều khó khăn khi triển khai lựa chọn nhà thầu. Nhiều gói thầu phải gia hạn, hủy thầu do không có nhà thầu dự hoặc thương thảo không thành công với nhà thầu. Khó khăn này sẽ được tháo gỡ từ thời điểm 1/1/2024 khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực.
Gói thầu Thuê địa điểm làm cơ sở đào tạo - Trường Đại học Mở TP.HCM hơn 3 năm chưa lựa chọn được nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi st
Gói thầu Thuê địa điểm làm cơ sở đào tạo - Trường Đại học Mở TP.HCM hơn 3 năm chưa lựa chọn được nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi st

Trầy trật lựa chọn nhà thầu

Những ngày qua, hơn 4.000 sinh viên cùng nhiều cán bộ, giảng viên Trường Đại học Mở TP.HCM lo lắng trước việc Trường di chuyển trụ sở khỏi địa chỉ tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Việc di dời này được Trường Đại học Mở TP.HCM cho biết do chủ sở hữu khu đất đóng trụ sở của Trường muốn kết thúc sớm hợp đồng cho thuê, trong khi trụ sở của Trường tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) chưa đủ điều kiện tổ chức dạy và học.

Thực tế, Trường Đại học Mở TP.HCM đã dành hơn 3 năm qua (từ tháng 3/2020) liên tục thông báo mời thầu Gói thầu Thuê địa điểm làm cơ sở đào tạo - Trường Đại học Mở TP.HCM nhưng không chọn được nhà thầu. Dù Trường xây dựng linh hoạt thời gian thực hiện hợp đồng, nhưng lần thì không có nhà thầu dự thầu, lần thì phải hủy thầu do thương thảo không thành công.

Gần đây nhất, ngày 22/9/2023, Trường công bố hủy thầu gói thầu này vì nhà thầu duy nhất tham dự - Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn - không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm. Theo đó, tại thời điểm đối chiếu tài liệu, Nhà thầu không cung cấp được tài liệu, chứng từ chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất; không cung cấp được bản chính hợp đồng, biên bản nghiệm thu, thanh lý, thông tin về hóa đơn theo quy định của pháp luật để đối chiếu với thông tin kê khai. Gói thầu có giá trị hơn 45,191 tỷ đồng với thời gian thực hiện 24 tháng tiếp tục đi vào ngõ cụt.

Tương tự, tháng 6/2021, Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) hủy thầu Gói thầu Thuê địa điểm làm cơ sở đào tạo. Theo Bên mời thầu (BMT), dù mời thầu rộng rãi, nhưng đến thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu nào tham dự.

Nhà thầu khó đáp ứng

Theo tìm hiểu, nhiều gói thầu thuê địa điểm khó lựa chọn nhà thầu vì các đơn vị dự thầu khó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra. Cụ thể, tại Viện Y học Biển Việt Nam, Gói thầu Cung cấp dịch vụ thuê phương tiện vận chuyển và thuê địa điểm tổ chức tập huấn phải hủy thầu vào tháng 5/2023 do tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của HSMT.

Tháng 5/2023, UBND phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) hủy Gói thầu số 01 Thuê địa điểm làm trụ sở tạm của Đảng ủy - UBND và trụ sở Dân quân thường trực phường Chương Dương với lý do tương tự…

Một số BMT lý giải, nhiều gói thầu thuê địa điểm không thể chọn được nhà thầu khi áp dụng mẫu HSMT gói thầu dịch vụ phi tư vấn. Thứ nhất, với quy mô lớn, thời gian thuê kéo dài, gói thầu có giá trị cao dẫn tới tiêu chuẩn đánh giá cao. Trong khi đó, các đơn vị đủ diện tích mặt bằng, bố trí đủ thời gian cho thuê lại thuần túy là đơn vị sự nghiệp công lập vốn không đủ năng lực, kinh nghiệm để dự thầu, trúng thầu. Thứ hai, việc liên tục phải kéo dài quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu càng khiến công tác xây dựng kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động thường xuyên, liên tục của đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này dẫn tới quá trình thương thảo hợp đồng bất lợi cho nhà thầu vì đơn vị cần thuê bị áp lực quá lớn về thời gian.

Khó khăn từ thực tế sẽ được giải quyết triệt để khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2024). Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Đấu thầu 2023, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp như: việc thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất; lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư kinh doanh quy định tại Khoản 3 Điều 2 của Luật này.

Chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến chia sẻ, hoạt động thuê trụ sở để duy trì hoạt động như các trường hợp nêu trên sẽ được giao toàn quyền chủ động cho các BMT, không bắt buộc phải đấu thầu. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận của Luật Đấu thầu 2023.

Tin cùng chuyên mục