Gỡ vướng để thúc giải ngân đầu tư công

(BĐT) - Luật Đầu tư công rất tiến bộ, chặt chẽ, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả. Tuy vậy, bước đầu thực hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Với đánh giá này, tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có nhiều chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tháo gỡ vướng mắc trong chính sách pháp luật về đầu tư công.

Đầu tư công đã bớt phân tán, dàn trải

Lần đầu tiên kế hoạch đầu tư công được triển khai theo trung hạn, thay vì hàng năm như trước, là bước đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước về đầu tư công.

Theo Bộ KH&ĐT, trên cơ sở tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trừ đi 10% dự phòng, số còn lại được phép phân bổ tối đa là 1,8 triệu tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn đã triển khai phân bổ và được Thủ tướng giao kế hoạch đạt 1,642 triệu tỷ đồng, bằng 91,3% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định (không bao gồm dự phòng). Đã giao chi tiết 9.600 dự án, không bao gồm các các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng… Số dự án này chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn trước. Đặc biệt, số dự án khởi công mới giảm rất mạnh.

Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước được chú trọng, sau năm 2020 cơ bản không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và việc ứng trước dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng còn một số khó khăn. Đó là khả năng cân đối NSNN còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên tỷ trọng vốn đầu tư nguồn NSNN còn lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi NSNN, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, trong tổng số vốn trung hạn phân bổ, các bộ ngành địa phương chỉ đủ khả năng cân đối được khoảng 53% nhu cầu vốn ngân sách trung ương cho các dự án thuộc 21 chương trình mục tiêu.

Còn nhiều dự án, chủ yếu của các địa phương, chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng các địa phương vẫn chưa tiến hành việc rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung nguồn vốn khác.

Chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương. Cơ chế chính sách đối với hình thức đối tác công tư (PPP) chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, dẫn tới hiệu quả thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ công chưa hiệu quả. Việc chấp hành các quy định pháp lý, nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn kế hoạch trung hạn chưa được nghiêm túc, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.

Ngoài ra, kế hoạch đầu tư công được lập trung hạn 5 năm 2016 - 2020, nhưng kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước chỉ được lập 3 năm 2018 - 2020, dẫn đến có sự chênh lệch, mất cân đối…

Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Đây là một thách thức, Bộ KH&ĐT cần phải đánh giá những nguyên nhân của việc giải ngân chậm trễ và tìm ra giải pháp khắc phục. Phó Thủ tướng cũng lưu ý khâu tổ chức thực hiện, phối hợp với các bộ khác cần phải đẩy nhanh hơn.

Phó Thủ tướng cho biết sẽ dẫn đầu một số đoàn đi kiểm tra về đầu tư công ở một số địa phương được giao vốn đầu tư công lớn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu một số đoàn đi kiểm tra ngay trong tuần tới. Qua kiểm tra thực tế, vừa có thể nhanh chóng nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn, đồng thời cũng sẽ là cơ hội để tiếp thu ý kiến cho việc sửa đổi Luật Đầu tư công.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần phải lắng nghe nhiều hơn, tham vấn rộng rãi hơn, trong thời gian tới cần phải tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để tiếp thu, lấy ý kiến hoàn thiện Luật sửa đổi Luật Đầu tư công.

Trong định hướng công tác thời gian tới, Bộ KH&ĐT cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn… Trong đó, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì trong quý II, III/2018 triển khai xây dựng, tổng hợp dự kiến kịch bản giải ngân 2 năm còn lại đối với các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn; xây dựng tiêu chí, nguyên tắc sử dụng nguồn dự phòng chung 10%…

Tin cùng chuyên mục