Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An sử dụng kinh phí DN hỗ trợ và kinh phí phụ huynh học sinh đóng góp. Ảnh: Quốc An |
Theo phản ánh của nhà thầu tới Báo Đấu thầu, mặc dù gói thầu này được đấu thầu rộng rãi, nhưng HSMT có nhiều tiêu chí riêng.
Những tiêu chí “lạ”
Theo phản ánh của một nhà thầu, tại trang 31 của HSMT đưa ra tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu: “Sản phẩm sữa tươi được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước và được ưa chuộng, có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Nhà thầu phản ánh cho rằng, tiêu chí này khá mơ hồ. Việc tiêu thụ rộng rãi trong cả nước có thể đo lường được qua thị phần, song tiêu chí “được ưa chuộng, có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An” thì mơ hồ, Nhà thầu không rõ sẽ chứng minh bằng tài liệu gì.
Tại trang 36 của HSMT đưa ra tiêu chí đánh giá về kỹ thuật (đạt, không đạt) đối với nhà thầu: “Am hiểu về địa lý vùng miền tỉnh Nghệ An và tập quán đồng bào các dân tộc tại điểm cung cấp hàng hóa. Có tài liệu chứng minh về việc nhà thầu đã am hiểu về địa lý và phong tục tập quán tại địa phương nơi nhà thầu cung cấp sữa”. Nhà thầu cho rằng, với tiêu chí này, HSMT đã loại bỏ hầu hết các nhà thầu không có trụ sở hoặc chi nhánh hoạt động tại Nghệ An. Tiêu chí này của HSMT mơ hồ và không liên quan trực tiếp đến việc thực hiện Gói thầu.
Bên cạnh đó, tại trang 66 của HSMT yêu cầu “Thời gian giao sữa và tủ, kệ lưới là 7 ngày sau khi ký hợp đồng”… Nhà thầu cho rằng, đối với tủ, kệ lưới, trong 7 ngày sau khi ký hợp đồng, không nhà thầu nào có thể sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của HSMT. Nhà thầu cần ít nhất 2 - 3 tháng mới sản xuất và lắp đặt xong kệ, tủ lưới cho gần 700 điểm trường ở tỉnh Nghệ An.
Sở Y tế Nghệ An nói gì?
Chiều ngày 11/12/2018, cán bộ bán HSMT của Sở Y tế Nghệ An cho biết, HSMT phát hành từ ngày 27/11/2018 nhưng đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 2 nhà thầu đến mua HSMT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ đấu thầu của Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Chương trình sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai từ năm 2015 nhưng đây là lần đầu tiên Sở Y tế Nghệ An được giao làm bên mời thầu của Gói thầu mua sữa học đường. Đặc thù của Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An là không sử dụng ngân sách nhà nước như nhiều địa phương khác, nguồn vốn sử dụng là từ kinh phí doanh nghiệp hỗ trợ và kinh phí phụ huynh học sinh đóng góp. Gói thầu số 01 đang đấu thầu dự kiến sẽ mua 180 triệu hộp sữa tươi (180 ml), giá trần mỗi hộp đưa ra đấu thầu là 7.300 đồng/hộp. Có 3 đối tượng sẽ được tham gia Chương trình sữa học đường này: trẻ em con hộ nghèo (miễn phí 100%, dự kiến chiếm 23/180 triệu hộp sữa); trẻ em con hộ cận nghèo (giảm 50% chi phí); trẻ em của các gia đình bình thường (đóng góp 70% kinh phí, doanh nghiệp trúng thầu sẽ hỗ trợ 30% còn lại).
Về những tiêu chí “lạ” của HSMT, vị cán bộ trên cho biết, do Gói thầu không sử dụng ngân sách nhà nước, nguồn chi trả là từ sự đóng góp của doanh nghiệp và phụ huynh học sinh nên HSMT đưa ra tiêu chí “được ưa chuộng, có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An” là hợp lý. Để chứng minh điều này, nhà thầu có thể cung cấp trong hồ sơ dự thầu các số liệu về tiêu thụ sữa trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm qua. Nhà thầu muốn cung cấp lượng sữa lớn của Gói thầu thì phải am hiểu về địa lý và phong tục tập quán của địa phương vì tỉnh Nghệ An có nhiều huyện miền núi, phong tục tập quán khác nhau.
Còn việc HSMT đưa ra yêu cầu thời gian giao sữa, tủ, kệ lưới trong vòng 7 ngày sau khi ký hợp đồng là mong muốn lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ cho việc thực hiện Gói thầu, chứ không phải trúng thầu rồi mới “bắt tay” vào sản xuất và cung cấp sữa.