Gói thầu mua thuốc tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM): Loại Nhà thầu MEDX vì hợp đồng tương tự có oan?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm thuốc bổ sung năm 2022 - 2023 (lần 2), trong đó một nhà thầu bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, cụ thể là không có hợp đồng tương tự (HĐTT). Tuy nhiên, nhà thầu không đồng thuận vì cho rằng có đủ căn cứ chứng minh năng lực, kinh nghiệm.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc tương tự trong vòng 3 năm (2020 - 2022), nhưng nhà thầu cung cấp 2 hợp đồng thực hiện năm 2023. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Hồ sơ mời thầu yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc tương tự trong vòng 3 năm (2020 - 2022), nhưng nhà thầu cung cấp 2 hợp đồng thực hiện năm 2023. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 22,062 tỷ đồng, thu hút 21 nhà thầu tham dự. Trong đó, Công ty TNHH Dược phẩm MEDX tham dự 2 phần (lô), gồm: PP2300534694-Cefpodoxim, PP2300534702-Erlotinib.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), Bên mời thầu yêu cầu MEDX làm rõ, bổ sung HĐTT và biên bản thanh lý khác đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), vì HSMT yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc tương tự trong vòng 3 năm (2020 - 2022), nhưng Nhà thầu cung cấp 2 hợp đồng thực hiện năm 2023.

Trong văn bản làm rõ ngày 1/2/2024, MEDX đính kèm bảng kê hóa đơn bán hàng + bản chụp 191 hóa đơn điện tử giá trị gia tăng thực hiện trong tháng 12/2022 với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng (cao hơn so với yêu cầu 70% giá trị của phần gói thầu đang xét). Nhưng theo đánh giá của Bên mời thầu, nội dung làm rõ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của HSMT, vì “không có HĐTT”, nên Nhà thầu MEDX bị loại.

Không đồng thuận với kết quả này, ngày 20/3/2024, Công ty TNHH Dược phẩm MEDX đã có văn bản kiến nghị. “Từ đó đến nay (ngày 25/3/2024), Nhà thầu chưa nhận được phản hồi từ phía Bệnh viện”, đại diện MEDX cho biết.

Theo MEDX, 2 HĐTT Nhà thầu cung cấp tại HSDT được triển khai gần đây, thể hiện rõ nhất năng lực, kinh nghiệm và đều có quy mô lớn hơn yêu cầu của gói thầu đang xét. Tuy nhiên, Bên mời thầu đánh giá không đạt với lý do “không phải là hợp đồng thực hiện từ năm 2020 - 2022” như yêu cầu của HSMT là rất phi lý, không phù hợp. Theo quy định tại Mẫu E-HSMT số 2A, 3B Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, nhà thầu phải cung cấp tối thiểu 1 HĐTT đã hoàn thành với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm… đến thời điểm đóng thầu. Việc HSMT giới hạn thời gian hoàn thành HĐTT từ năm 2020 - 2022, trong khi thời điểm đóng thầu là ngày 23/1/2024 có thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Mặt khác, theo chia sẻ của MEDX, các hóa đơn bán hàng trong tháng 12/2022 của Nhà thầu không được Bên mời thầu đánh giá là HĐTT là không thỏa đáng. Theo mục ghi chú số 7 Chương III Tiêu chuẩn đánh giá HSDT của HSMT, nhà thầu được quyền cung cấp các hợp đồng cung cấp thuốc hoặc hóa đơn bán hàng kèm theo danh mục thuốc đã cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh hoặc các cơ sở kinh doanh thuốc để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về quy mô với phần trong gói thầu mà nhà thầu tham dự.

Ngoài ra, Luật Thương mại năm 2005 quy định, hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, trừ các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay hợp đồng mua bán điện có thời hạn phải lập dưới hình thức văn bản.

Để làm rõ phản ánh của Nhà thầu, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và được biết Bệnh viện đang xem xét, xử lý đơn kiến nghị.

Bình luận về tình huống này, một luật sư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đấu thầu cho rằng, việc giao kết hợp đồng có thể thông qua nhiều hình thức (bằng lời nói, hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản). Do vậy, nếu pháp luật chuyên ngành không quy định bắt buộc phải được xác lập bằng văn bản thì các bên có nhiều lựa chọn để xác lập hợp đồng. Trong tình huống này, Nhà thầu đã chứng minh được kinh nghiệm thực hiện HĐTT thông qua hóa đơn giá trị gia tăng. “Nếu bên mời thầu vẫn nghi ngờ về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu thì có thể xác minh tại bên được cung cấp là một chủ thể trong hồ sơ đó”, luật sư này khuyến nghị.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, bản chất của yêu cầu HĐTT là để chứng minh nhà thầu đã làm công việc tương tự hay chưa. Kinh nghiệm hoàn thành công việc tương tự càng gần với thời điểm đóng thầu càng thể hiện rõ năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu đó. Nếu pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải lập hợp đồng bằng văn bản, thì bên mời thầu không cần yêu cầu văn bản hợp đồng, miễn là có tài liệu khác chứng minh.

Tin cùng chuyên mục