Gói thầu số 12: Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị

0:00 / 0:00
0:00

Lĩnh vực: Xây lắp

Dự án Cải tạo, xây mới khối nhà học và hiệu bộ Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân

Bên mời thầu: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:

Tiêu chí HSMT:

Mục E-ĐKC 35.1 Chương VII Điều kiện cụ thể của hợp đồng thuộc HSMT nêu như sau:

“Tạm ứng: Theo quy định hiện hành. Thời gian tạm ứng: Sẽ được quy định cụ thể khi ký hợp đồng”.

Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:

Nhà thầu cho biết, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng quy định: “Mức tạm ứng, số lần tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng qua các lần thanh toán phải được ghi cụ thể trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc trong dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu để bên nhận thầu làm cơ sở tính toán giá dự thầu, giá đề xuất và phải được các bên thỏa thuận cụ thể, ghi trong hợp đồng theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng.”

Đối với gói thầu có giá trị lớn như Gói thầu này (100.309.930.240 đồng), việc quy định cụ thể mức tạm ứng, số lần tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng qua các lần thanh toán sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc tính toán giá dự thầu, tỷ lệ giảm giá của nhà thầu.

Việc HSMT không thể hiện được mức tạm ứng, số lần tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng qua các lần thanh toán sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng tới khả năng trúng thầu của nhà thầu.

Dẫn chiếu quy định của pháp luật, bình luận, phân tích của chuyên gia:

Theo một chuyên gia đấu thầu, Luật Đấu thầu quy định, nội dung HSMT phải bao gồm điều kiện và biểu mẫu hợp đồng. Biểu mẫu hợp đồng tại Mẫu HSMT xây lắp qua mạng 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ (mục E-ĐKC 35.1 Chương VII Điều kiện cụ thể của hợp đồng) hướng dẫn, cần ghi số tiền tạm ứng, các chứng từ để tạm ứng, phương thức tạm ứng… phù hợp quy định của pháp luật về xây dựng; thời gian tạm ứng cũng cần ghi cụ thể.

Theo pháp luật về xây dựng, tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng. Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP quy định: Mức tạm ứng, số lần tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng qua các lần thanh toán phải được ghi cụ thể trong HSMT, hồ sơ yêu cầu hoặc trong dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu để làm cơ sở tính toán giá dự thầu, giá đề xuất và phải được các bên thỏa thuận cụ thể, ghi trong hợp đồng theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng. Nghị định số 35/2023/NĐ-CP và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng cũng có quy định cụ thể tỷ lệ tạm ứng tối đa, tối thiểu.

Chuyên gia này nhận định, mức tỷ lệ tạm ứng trong HSMT là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc tính toán giá dự thầu. Việc không quy định mức tạm ứng có thể gây khó khăn cho nhà thầu khi xây dựng giá dự thầu, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh khi đấu thầu.

Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:

Phản hồi Nhà thầu, Ban QLDA ĐTXD quận Thanh Xuân khẳng định, Bên mời thầu sẽ căn cứ quy định pháp luật, kế hoạch vốn được giao, thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu để cụ thể hóa các nội dung: mức tạm ứng, số lần tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng qua các lần thanh toán trong dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP.

Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:

Các nội dung đã phản ánh của HSMT không thay đổi.

Ngày 13/5/2024, Bên mời thầu gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 23/5/2024 với lý do tại thời điểm đóng thầu (9 giờ ngày 13/5/2024) chỉ có 2 nhà thầu nộp HSDT.a

Tin cùng chuyên mục