Gói thầu số 6 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài tỉnh Hưng Yên sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, việc phân bổ vốn cho Dự án giai đoạn 1 theo lý trình mới vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Vẫn đang chờ chấp thuận phân bổ vốn
Đầu tháng 6/2019, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (QLĐĐ&PCLB) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 6. Theo Quyết định, Liên danh Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Gia Lâm là nhà thầu trúng thầu, với giá trúng thầu là 164,719 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Quyết định này lưu ý là nhà thầu chỉ được phép thực hiện Gói thầu sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phân bổ vốn cho Dự án giai đoạn 1 theo lý trình mới hoặc được cấp quyết định đầu tư cho phép. Trường hợp chưa được đồng ý về nguồn vốn phân bổ cho giai đoạn 1 theo lý trình mới sẽ không được triển khai thực hiện và kết quả lựa chọn nhà thầu không có giá trị, nhà thầu phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về các chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu và không có khiếu nại, kiến nghị...
Câu hỏi đặt ra là tại sao Gói thầu đã lựa chọn xong nhà thầu mà nguồn vốn vẫn chưa được chấp thuận phân bổ? Chủ đầu tư/bên mời thầu đã làm đúng quy định?
Trao đổi với Báo Đấu thầu sáng ngày 9/7/2019, ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB cho biết, đến thời điểm này, Dự án đã được bố trí nguồn vốn thực hiện. “Dự án đã có kế hoạch vốn 800 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Chúng tôi chỉ xin chấp thuận phân bổ cho Dự án theo lý trình mới. Việc điều chỉnh lý trình là về mặt kỹ thuật”, ông Khải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết: “Dự án này được phân bổ vốn trái phiếu chính phủ từ năm 2017 - 2018, được duyệt 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 chỉ được ghi lý trình kế hoạch vốn đến năm 2019. Quá trình đấu thầu thực hiện trong giai đoạn 1 tiết kiệm được một số tiền, giai đoạn 2 cũng bước vào giai đoạn triển khai. Do đó, Tỉnh xin điều chỉnh lại lý trình giao vốn. Cách làm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để có thể triển khai thi công công trình ngay khi được chấp thuận phân bổ vốn... Hiện địa phương đang rất sốt ruột với tiến độ Dự án vì đây là công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu đi lại của nhân dân”.
Về tình huống này, một chuyên gia đấu thầu nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi nguồn vốn đã được xác định.
Điều chỉnh giá gói thầu khi đang chấm thầu
Một tình huống đáng lưu ý tại gói thầu nêu trên là việc điều chỉnh giá gói thầu diễn ra ở bước đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT). Cụ thể, ngày 3/5/2019, Chi cục QLĐĐ&PCLB đã có Quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Gói thầu. Tuy nhiên, ngày 24/5/2019, Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB phê duyệt điều chỉnh dự toán một số gói thầu hạng mục đầu tư xây dựng, nâng cấp đường đê đoạn từ K120+600 đến K127+000 đê tả sông Hồng và đoạn K18+000 đến K20+700 đê tả sông Luộc thuộc Dự án. Cũng thời điểm này, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành văn bản đồng ý về nguyên tắc cho phép Chủ đầu tư được điều chỉnh lại giá gói thầu trước thời điểm mở túi hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu để thay thế giá gói thầu đã duyệt.
“Tại thời điểm đó, Chủ đầu tư có nhận được thông báo giá của bên liên ngành nên có tính toán lại giá gói thầu và đề xuất giảm giá gói thầu, báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền. Với việc xử lý tình huống trong đấu thầu này, cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Hưng Yên đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh giá gói thầu trước thời điểm mở túi hồ sơ đề xuất về tài chính là có lợi cho ngân sách”, cán bộ Sở KH&ĐT Tỉnh lý giải và khẳng định việc điều chỉnh này hoàn toàn công khai, minh bạch.
Nêu quan điểm về việc điều chỉnh giá gói thầu giữa chừng, một chuyên gia đấu thầu nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, việc điều chỉnh giá gói thầu trong giai đoạn đánh giá HSDT là không được chấp nhận. Gói thầu chỉ được điều chỉnh dự toán trước thời điểm phát hành HSMT 28 ngày. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp được chấp nhận điều chỉnh về đơn giá liên quan đến các yếu tố mới phát sinh, song như vậy vẫn không hoàn toàn đúng quy trình theo quy định hiện hành.