Gọi vốn đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam: Khó nhưng vẫn làm được

(BĐT) - Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, năng lực của nhà đầu tư trong nước có hạn thì việc thu hút vốn để đầu tư vào tuyến cao tốc Bắc - Nam là khó, song vẫn có thể làm được, không phải là công việc “quá tầm”. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật khi trao đổi với Báo Đấu thầu về một số vần đề xoay quanh chuyện đầu tư cho tuyến cao tốc này.

Thứ trưởng có thể cho biết, cần bao nhiêu tiền để đầu tư cao tốc Bắc - Nam?

Theo mục tiêu đã đề ra, đến năm 2020 cả nước có 2.000 km đường cao tốc, hiện tại chúng ta mới có hơn 700 km đường cao tốc. Do đó, từ nay đến năm 2020, chúng ta phải hoàn thành 1.300 km đường cao tốc nữa. Hiện Bộ GTVT đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về Đề án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM đến năm 2020 với tổng chiều dài hơn 1.300 km, dự kiến sẽ sớm xin ý kiến Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua. Theo dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư để xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là gần 230 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT dự kiến gọi vốn nhà đầu tư gần 60% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng), vốn nhà nước tham gia đầu tư chiếm 40% (khoảng 90 nghìn tỷ đồng). Phần vốn đầu tư “mồi” của Nhà nước sẽ được ưu tiên cho công tác lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, tư vấn giám sát và tư vấn khác, phần còn lại mới hỗ trợ kinh phí xây dựng.

Gọi vốn đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam: Khó nhưng vẫn làm được ảnh 1
Thứ trưởng Nguyễn Nhật
Mục tiêu thu hút được 140 nghìn tỷ đồng trong 4 năm tới liệu có khả thi, thưa Thứ trưởng?

Để đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc - Nam thì có lẽ nguồn lực từ các nhà đầu tư trong nước sẽ là không đủ vì nhu cầu vốn là khá lớn, trong khi năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế. Vì vậy, Bộ GTVT xác định, bên cạnh kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, sẽ mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính và khả năng quản lý, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc. Để tạo “lực hấp dẫn” cho việc thu hút đầu tư vào tuyến cao tốc này, Bộ GTVT cũng đề xuất có một số cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư liên quan đến mức lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái… Vì thế, việc thu hút một lượng vốn lớn đầu tư vào tuyến cao tốc Bắc - Nam dù khó nhưng vẫn có thể làm được, không phải là việc làm “quá tầm”. 

Theo Thứ trưởng, phải làm gì để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP nói chung, cao tốc Bắc - Nam nói riêng?

Theo tôi, để thu hút thành công các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính vào đầu tư các dự án PPP của Việt Nam nói chung, tuyến cao tốc Bắc - Nam nói riêng, chúng ta phải hoàn thiện ở 2 yếu tố có tính chiến lược. Thứ nhất là sớm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về PPP. Hiện nay, quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới dừng ở cấp nghị định, mà ở cấp nghị định thì các quy định về PPP sẽ bị “vướng trần” là các luật nên tính hiệu lực sẽ không mạnh, sức hút của chính sách về PPP sẽ không thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, thời gian tới, chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về PPP theo hướng rõ ràng, minh bạch và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư  nước ngoài.

Thứ hai là đối với các dự án PPP, chúng ta phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra mời gọi đầu tư, các dự án PPP kêu gọi đầu tư phải là những dự án có hiệu quả thực sự, được xây dựng có tính khoa học, chính xác và có chất lượng cao. Tôi tin rằng, khi chính sách thu hút đầu tư tốt, đồng thời “chuẩn bị sẵn sàng” những dự án PPP có chất lượng cao thì việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư các dự án PPP, cụ thể là tuyến cao tốc Bắc - Nam là việc làm trong tầm khả năng của chúng ta.

Tin cùng chuyên mục